Trang chủ - tàixỉu online

Đại học Hoa Sen – HSU
VI EN
tàixỉu online

Cảm nhận của công chúng về Seminar Giáo dục Khai phóng

Seminar GDKP, chủ đề “Sức mạnh mềm trong hệ quốc tế”, diễn ra sáng thứ 7, ngày 12/1/2019, đã đón nhận được những ý kiến và chia sẻ rất thú vị và sâu sắc từ công chúng. Bộ môn GDKP trân trọng giới thiệu các ghi nhận dưới đây của Thái Thị Thanh Thảo, sinh viên trường Đại học Sư phạm Tp Hồ Chí Minh, và Mai Trang, hướng dẫn viên du lịch và là thông dịch viên thương mại.

Bộ môn GDKP

SEMINAR “SỨC MẠNH MỀM TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ”: 120 PHÚT THÀNH CÔNG CHO MỘT ĐỘNG LỰC KHAI PHÓNG MỚI

Thái Thị Thanh Thảo – tác giả bài viết

Chuỗi Seminar Giáo dục Khai phóng được tổ chức mỗi tháng một hoặc hai lần bởi Khoa Khoa học xã hội của trường Đại học Hoa Sen hướng đến mục tiêu phụng sự học thuật và giáo dục, tạo ra không gian chia sẻ và tranh luận những vấn đề cấp thiết hoặc thú vị xứng đáng nhận được sự quan tâm mang tính chiến lược của xã hội. Tháng mười hai này, tôi đã may mắn có cơ hội tham dự Seminar với chủ đề “Sức mạnh mềm trong quan hệ quốc tế” do TS. Trần Nguyên Khang trình bày và dẫn dắt. Một buổi sáng thứ bảy đẹp trời cùng với không khí làm việc gần gũi và sản phẩm tinh thần quí giá sau 120 phút gặp gỡ là những ấn tượng khó phai đối với người viết.

Đến với Seminar, người viết bài này được tiếp nhận trọn vẹn hai mục tiêu tham dự: lắng nghe và trao đổi.

1. Lắng nghe:

Sau khi thưởng thức trà bánh ngon miệng, chúng tôi tiếp tục được thỏa mãn nhu cầu nghe – nhìn từ diễn giả Trần Nguyên Khang. Một phong thái đẹp, một nội dung giới thiệu ngắn gọn nhưng cô đọng và súc tích khai mở kiến thức nền của người nghe về “soft power”, một trong những nguồn lực sức mạnh quyết định vị thế và tầm ảnh hưởng của một quốc gia. Chúng tôi được dẫn dắt lần lượt qua các nội dung: Sức mạnh (hay quyền lực) của một quốc gia bao gồm những yếu tố gì, có thể phân loại dựa trên những cơ sở nào; sự chuyển giao quyền lực trên thế giới diễn ra ra sao; sức mạnh mềm (soft power) là gì, giá trị của “soft power” trong tình hình thế giới hiện tại và trong tương quan với “hard power”; Bảng xếp hạng các quốc gia nắm giữ vị thế cao trong việc sử dụng “soft power”. Trong đó, bên cạnh một số ít thông tin đã được tiếp cận, phần nhiều còn lại đem đến cho chúng tôi cảm nhận thú vị, đôi khi là sự bất ngờ.

Một cách tóm lược nhất, phần lí thuyết này cô đọng hai điểm kiến thức quan trọng: sức mạnh mềm (soft power) là thuật ngữ được tạo ra bởi Joseph Nye, đặt trong tương quan với sức mạnh cứng (hard power) chỉ sức mạnh chi phối đến các chủ thể khác của một quốc gia thông qua sự hấp dẫn và thuyết phục bởi các giá trị quốc gia mang lại, tính chất văn hóa, các chính sách và thể chế chứ không phải bởi cưỡng chế hay ép buộc bởi kinh tế, quân sự; Sức mạnh mềm có thể được chuyển giao thông qua ngoại giao văn hóa và ngoại giao nhân dân.

2. Trao đổi:

Đúng như tinh thần mà chuỗi Seminar GDKP đặt ra, chương trình dành 2/3 thời gian cho hoạt động trao đổi, chia sẻ từ các khán thính giả tham dự. Đây cũng là phần mang lại cho tôi nhiều hào hứng hơn cả. Bởi nhờ những chia sẻ từ kinh nghiệm xác thực, kiến thức của tôi đã được làm giàu hơn rất nhiều.

Lắng nghe và trao đổi tại Seminar GDKP

Chúng tôi đã chia sẻ và trao đổi với nhau những điều gì?

Đâu là quốc gia tiêu biểu cho việc khai thác sức mạnh mềm?

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp hay Hàn Quốc,…? Mỗi ý kiến của từng cá nhân đều bộc lộ được ấn tượng của họ về một quốc gia mà họ yêu quí, ấn tượng và ngược lại, mức độ tác động đến tâm thức của một dân tộc khác trong chiến lược sử dụng sức mạnh mềm của từng quốc gia.

Sức mạnh mềm hiện diện không chỉ trong giá trị tinh thần mà quốc gia ấy xây dựng mà còn trong cách quảng bá văn hóa dân tộc đối với thế giới

Pháp, Nhật Bản, Bỉ, Singapore là những ví dụ được dử dụng trong việc minh chứng cho sức ảnh hưởng và tác động về hình ảnh phổ quát đặc trưng của một quốc gia đối với thế giới, những biểu tượng thậm chí biến thành huyễn tượng, bóp méo phần nào hình ảnh khách quan của nơi đó: Khi đến Pháp phải diện kiến và chụp ảnh của tháp Eiffel, đến Bỉ phải tận mắt ngắm nhìn bức tượng Manneken Pis, đến Singapore không thể quên bức tượng sư tử Merlion phun nước, phụ nữ Nhật Bản và phụ nữ trong Manga hay cái nhìn của nam giới Pháp về Nhật Bản và phái yếu đến từ đất nước này. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, du lịch Việt Nam cần lưu ý hình ảnh được lựa chọn để quảng bá đất nước, chẳng hạn nên xem lại hình ảnh những bà mẹ với khuôn mặt đầy vết chân chim, chúng ta mời gọi sự chú ý của quốc tế về hình ảnh của một nước Việt Nam với các giá trị truyên thống và hiện đại hay kêu gọi sự thương hại từ họ? (TS. Nguyễn Thị Từ Huy).

Viện Khổng Tử – chiến lược xây dựng sức mạnh mềm hay sự truyền bá “ngoài mêm – trong cứng” của Trung Quốc?

Trung Quốc đang hướng đến mục tiêu mở rộng tầm ảnh hưởng của văn hóa Khổng giáo thông qua học thuật và giáo dục nhưng gặp phải một số khó khăn nhất định. Từ kinh nghiệm tiếp xúc với Viện Khổng Tử đặt tại Hoa Kỳ, TS. Hoàng Phong Tuấn chia sẻ từ quan sát trực tiếp của tôi, Viện Khổng Tử ở Đại học Oregon (University of Oregon, USA) chú trọng đến tài trợ vật chất và xây dựng cơ sở dữ liệu, những chính sách kiểm soát khác tôi không đề cập đến. Diễn giả Nguyên Khang cho rằng bản chất sức mạnh mềm của một quốc gia cần một thời gian lâu dài để tạo sự tin tưởng cũng như uy tín trong cộng đồng quốc tế. Một ví dụ là Nhật bản sau chiến tranh thế giới thứ hai, họ đã cần đến một thời gian rất dài để gây dựng lại uy tín trong cộng đồng quốc tế. Và ngày nay, trở thành quốc gia đại diện cho sức mạnh mềm Châu Á trên thế giới. Viện Khổng Tử của Trung Quốc cần tạo sự tín cẩn trong cộng đồng quốc tế thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa có ý nghĩa tích cực đích thực, vì thực tế là một số viện Khổng Tử đã bị đóng cửa ở nhiều nơi sau một số năm hoạt động. TS.Từ Huy đặt câu hỏi, liệu có phải lý do là vì Viện Khổng Tử không thực sự là một thiết chế của sức mạnh mềm, mà thực chất vẫn dùng các cách thức của sức mạnh cứng như mua chuộc, tuyên truyền

Hàn Quốc – trường hợp đặc biệt cần quan tâm về việc sử dụng sức mạnh mềm như một chiến lược trong định hình quốc gia và đòn bẩy thúc đẩy phát triển mang tính liên ngành:

Sức ảnh hưởng của văn hóa Hàn Lưu là sự thành công của chiến lược sử dụng sức mạnh mềm của Hàn Quốc, họ xuất khẩu hình ảnh quốc gia một cách có chọn lọc (TS. Thanh Nghi), họ nghiên cứu và thực hiện bài bản chiến dịch quảng bá văn hóa của mình, bao gồm đối tượng truyền bá là ai, thị hiếu thẩm mỹ như thế nào từ đó quyết định hình thức và nội dung sử dụng, điều này được thể hiện rõ ràng trong sự thống trị văn hóa – nghệ thuật Hàn Quốc trên hầu hết thế giới (Thanh Thảo – một sinh viên tham dự), giới trẻ say mê đất nước và văn hóa Hàn Quốc một cách tự nhiên, con gái tôi muốn học tiếng Hàn Quốc và tham gia vào nền công nghiệp giải trí của Hàn Quốc, tôi nhận ra sự tinh vi trong việc văn hóa của nước này len lỏi vào chúng ta như thế nào (Ý kiến của một người nghe khác)

Điều quan trọng nhất, đâu là sức mạnh mềm của Việt Nam và hành động tiếp theo của chúng ta?

Những slogan Du lịch mơ hồ là biểu hiện cho sự chênh vênh trong nhận thức của người Việt về bản sắc của chính mình. Đối diện một cách thành thực, chúng ta không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của một sự kiện tuy đau thương nhưng đã tạo dấu ấn đậm nét đối với người nước ngoài: Chiến tranh Việt Nam. Tinh thần quật cường chấn động địa cầu sau một cuộc chiến không cân sức là một yếu tố quan trọng xứng đáng được khai thác một cách đa dạng hơn, nhưng cũng phải ít thiên kiến hơn. Chiến tranh Việt Nam không thể dừng lại như một đề tài thu hút thường xuyên được cải biên, đặc biệt phổ biến ở lãnh địa nghệ thuật, cố định bởi góc nhìn nhất định nào đó, dù là của phương Tây, mà cần được nhìn nhận như một tiêu điểm văn hóa tinh thần nổi bật cần khôi phục trong tâm thức người Việt Nam hiện đại.

Hoạt đồng truyền bá hình ảnh văn hóa Việt đang được khai thác và xây dựng với sự hợp tác từ những đội ngũ chuyên nghiệp nước ngoài, nên hay không? Đó là xu hướng tất yếu, vì chất lượng nên đến từ những tổ chức chuyên nghiệp, việc này khá phổ biến hiện nay (TS. Hoàng Phong Tuấn), tuy nhiên, người nước ngoài có thể hỗ trợ về kỹ thuật, nhưng họ có thực sự hiểu sâu sắc về văn hóa Việt để lựa chọn những nội dung giúp bộc lộ các tầng sâu của nền văn hóa này hay không, hay là cần phải có sự tham gia của các nhà văn hóa học về Việt Nam? (TS. Từ Huy)

Chúng ta cần học tập sự tinh tế và tầm nhìn của người Hàn, người Nhật, người Mỹ trong việc lồng ghép văn hóa dân tộc trong các sản phẩm đại chúng. Chúng ta chưa thật sự chuẩn bị được những nền tảng giá trị thực trước khi quảng bá, dẫn đến vỡ mộng về sự ảo khi du khách tiếp xúc với tình hình thực tế quốc gia. Điều này thực sự phức tạp vì bắt nguồn từ sự thiếu hụt triết lí giáo dục để tạo nên tinh thần trong sự thống nhất hóa của cả một dân tộc (Thanh Thảo – sinh viên tham dự). Vậy giải pháp sâu xa bắt nguồn từ giáo dục để thay đổi ý thức và tư tưởng của dân tộc Việt Nam.

Những góc nhìn lạc quan cho tương lai:

Seminar kết thúc với một chia sẻ cho rằng có lẽ việc xây dựng sức mạnh mềm của Việt Nam sẽ đặt trọng trách lên vai của thế hệ trẻ. Một khán giả, với tâm thế tự hào và đầy niềm tin, cô cho rằng thế hệ trẻ đã và đang thay đổi trong việc hành động với mục tiêu thực tế hướng đến cộng đồng và ra sức phản đối hành vi mang tính hình thức: Con gái tôi từ chối việc chụp nhiều ảnh khi tham gia chương trình thiện nguyện mặc dù tôi yêu cầu làm việc này để làm đẹp hồ sơ học bổng, tôi giật mình khi bé nói rằng mục đích của việc này là giúp đỡ người khác chứ không phải quảng bá cho hình ảnh của mình. Tôi rất lấy làm vui vì điều đó.

TP Hồ Chí Minh, 12/1/2019

Thái Thị Thanh Thảo

 

 “QUYỀN LỰC MỀM TRONG QUAN HỆ QUỐC TẾ”

Cảm nhận của tác giả Mai Trang

Mai Trang – tác giả bài viết

“Các bạn đã uống cafe chưa? Ra ngoài uống cafe chút trước khi bắt đầu đi”, người phụ nữ mà sau này tôi biết tên là Từ Huy, nói.

“Nhưng bây giờ đã 9h rồi”, một giọng khác từ phía khán giả trả lời. Tôi cười tủm tỉm. Vậy là sắp tới sẽ thảo luận cùng với 1 nhóm có rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe đây. Từ lúc nghe nói đến Đại học Hoa Sen sau khi đọc về tin tức của giáo sư quần đùi Trương Nguyện Thành, tôi không ngạc nhiên với cách sắp xếp, bài trí không gian cũng như những thông điệp gợi mở tinh thần sáng tạo tại đây. “Không giống trường đại học tại Việt Nam lắm”, tôi nghĩ. Hoặc có thể mình đã quá chậm khi thế giới học thuật đang thay đổi từng ngày.

Kéo 2 chiếc ghế lại, Khang, diễn giả chính của buổi chia sẻ về quyền lực mềm trong quan hệ quốc tế ngồi đối diện với Từ Huy và ngay lập tức thay đổi không gian trở thành một cuộc đối thoại giữa nhà nghiên cứu và diễn giả. Là 1 phần trong series giáo dục khai phóng đang được thử nghiệm, tôi tò mò xem cách tiếp cận của diễn giả sẽ ra sao. Khi không gian mở ra cho công chúng, nghĩa là bộ lọc về chuyên môn không còn. Ðộ lệch về kiến thức giữa hai bên vừa tạo sự cởi mở lại gợi nhiều thách thức, nhưng có lẽ giống với tinh thần khai phóng mà cái tên “liberal arts” gợi nên.

Từ trái sang: TS. Nguyễn Thị Từ Huy – Trưởng Bộ môn GDKP và TS. Trần Nguyên Khang – diễn giả Seminar

Bắt đầu bằng khái niệm “quyền lực”, anh Khang đã chọn cách đi từ định nghĩa nền tảng nhất và dần thu hẹp, đào sâu qua các yếu tố và case studies. Vấn đề tưởng như quá vĩ mô và to tát này lại trở nên gần gũi hơn bao giờ hết, khi khán giả chia sẻ việc tại sao 1 sở thích nhỏ của 1 cá nhân cụ thể lại dẫn đến các quyết định lớn về sau. “Con gái tôi rất thích nhạc hàn quốc, và rất có thể chọn ngành Hàn Quốc học”, một người nghe chia sẻ. Những quyết định tưởng như cụ thể, ngẫu nhiên đó lại nằm trong chiến lược gây ảnh hưởng của các quốc gia trong một sân chơi toàn cầu, mà ta chưa cảm nhận hết. Làn sóng Hallyu, viện khổng tử hay cách Việt Nam làm thương hiệu trong du lịch đã được tất cả bàn bạc thật sôi nổi.

Nếu có điều gì tôi rút ra được sau buổi này, thì có lẽ đó là khi tìm hiểu vấn đề nào đó đủ sâu, ta sẽ thấy nó chạm với những vấn đề khác. Có lẽ đó là động lực của chia sẻ và đối thoại để làm phong phú thêm các góc nhìn vương vào nhau như tơ nhện trong thời đại toàn cầu này”.

Mai Trang (May)

Freelance travel guide/ business interpreter/ blogger

Facebook Youtube Tiktok Zalo