Chung tay tái tạo và làm lan tỏa màu xanh
“Màu xanh cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng, là màu của sự sinh sôi và phát triển bền vững”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như thế trong buổi lễ phát động “Tết trồng cây” vừa diễn ra tại tỉnh Phú Yên.
“Tết trồng cây” năm nay được coi là một phần trong các hoạt động nhằm hưởng ứng chủ trương trồng một tỷ cây xanh trên phạm vi cả nước, theo sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm vừa qua. Việc trồng cây được thực hiện trong khuôn khổ chính sách bảo vệ môi trường, được xác định là nền tảng trong hệ thống giải pháp cho bài toán phát triển bền vững. Việc trồng cây vừa mang ý nghĩa biểu tượng, vừa là hành vi thiết thực, cụ thể vì mục tiêu bảo vệ môi trường.
Mang ý nghĩa biểu tượng, việc trồng cây thể hiện thái độ sống có trách nhiệm của con người đối với hành tinh. Chỉ trong vòng vài trăm năm, thậm chí vài chục năm trở lại đây, hệ sinh thái tự nhiên của quả địa cầu đã bị hủy hoại, xuống cấp nhanh hơn nhiều lần so với trước đó. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là các hành vi khai thác theo kiểu tận diệt được con người thực hiện gây ra. Hệ quả tiêu cực là nhãn tiền: các nguồn tài nguyên khoáng sản dần cạn kiệt, hàng triệu ki-lô-mét vuông rừng biến mất, hàng ngàn loại động vật bị tuyệt chủng. Đặc biệt, sự thay đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, với diễn biến thời tiết cực đoan, khó lường và có sức tàn phá ngày càng lớn.
Có thể nói, bất chấp các thành tựu khoa học và công nghệ giúp cho con người bay cao trên trời, vươn xa đến các hành tinh, đi sâu vào lòng đất, lòng đại dương, con người vẫn dễ dàng gục ngã một khi thiên nhiên giận dữ “ra đòn”. Muốn cứu lấy tương lai thì không chỉ trồng cây, mà con người còn phải chấm dứt các hành vi tác động vào thiên nhiên nhằm phục vụ lợi ích trước mắt mà bất chấp hậu họa. Ngoài ra, còn phải làm tất cả những gì có thể để tái tạo nguồn tài nguyên khoáng sản, khôi phục rừng, tái tạo giống cây trồng và động vật.
Có những vấn đề đặt ra trong khuôn khổ bảo vệ môi trường thuộc trách nhiệm của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý. Cần động viên tinh thần trách nhiệm, dấn thân của những người này để các vấn đề như thế được giải quyết một cách triệt để, thấu đáo.
Mặt khác, có những việc mà bất kỳ người nào, ở bất kỳ vị trí nào trong xã hội cũng làm được, nhằm góp phần xây dựng, bảo vệ môi trường sống. Trồng cây là ví dụ tiêu biểu. Bằng hành vi đơn giản là trồng một cây non, mỗi người sẽ góp phần tái tạo thảm thực vật xanh tươi cho hành tinh. Lợi ích mà thảm thực vật mang lại là hiển nhiên: giữ nước trong đất, góp phần duy trì, phát triển nguồn nước ngầm; ngăn chặn lũ, lụt; ngăn chặn sự xói mòn gây sạt lở đất; thanh lọc không khí, điều hòa khí hậu, ngăn chặn sự biến đổi bất thường dẫn đến hiện tượng thời tiết cực đoan.
Chính là để hướng tới mục tiêu đó mà Thủ tướng Chính phủ đã ra lời kêu gọi nhân lễ phát động “Tết trồng cây”: “Mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, tổ chức hãy “xắn tay áo” vào cuộc để cùng nhau gieo những mầm xanh của sự sống, của mùa xuân hy vọng, của niềm tin vào tương lai tươi sáng của đất nước ta, dân tộc ta”.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện (Hiệu trưởng tàixỉu online )
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 22/02/2021.)