Cơ hội và thách thức từ việc thực thi EVFTA
Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới giữa Việt Nam và Liên Minh Châu Âu, gọi tắt là EVFTA, đã chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8. Đây được cho là cơ hội có một không hai để Việt Nam mở rộng phạm vi giao thương quốc tế với những điều kiện thuận lợi đặc biệt và do đó, có thể đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xây dựng đất nước thịnh vượng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ví EVFTA như một đại lộ cao tốc giúp cho Việt Nam và EU có thể tiếp cận dễ dàng hơn thị trường của nhau. Về mức độ tự do hoá (mở cửa), EVFTA ghi nhận những cam kết rộng và sâu hơn nhiều so với các cam kết trong khuôn khổ WTO và các FTA truyền thống. Một loạt các dòng thuế đối với hàng hoá sản xuất nội khối sẽ bị huỷ bỏ. Điều này sẽ tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam thâm nhập mạnh vào thị trường nước ký kết nhờ lợi thế cạnh tranh về giá. Các ngành dịch vụ cũng được mở cửa mạnh và được sự ưu đãi về thuế, cho phép Việt Nam Việt Nam mở rộng thị phần cung ứng dịch vụ có chất lượng và với giá cả cạnh tranh.
Về phạm vi cam kết, EVFTA mở rộng hơn nhiều so với các FTA truyền thống chỉ giới hạn trong lĩnh vực thương mại hàng hoá. Cụ thể, các FTA thế hệ mới sẽ có những cam kết về lao động, môi trường, mua sắm Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước,… Ngay cả đối với các cam kết truyền thống đã được ghi nhận trong FTA cổ điển, như các cam kết liên quan đến thương mại hàng hoá, dịch vụ, bảo hộ sở hữu trí tuệ, FTA thế hệ mới cũng xử lý sâu và chặt chẽ hơn. Trong khuôn khổ thực thi những cam kết đó, các doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện chính quy hoá hoạt động sản xuất và kinh doanh theo các tiêu chí hiện đại, cho phép hàng hoá Việt Nam có sức cạnh tranh không chỉ trên thị trường EU mà còn trên toàn cầu.
Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội mà EVFTA mang lại, Việt Nam phải khẩn trương và nghiêm túc thực hiện một loạt các biện pháp mang ý nghĩa chấn chỉnh, hoàn thiện đối với hệ thống kinh tế đang vận hành.
Việc áp dụng chế độ thuế ưu đãi chỉ giới hạn trong phạm vi hàng hoá sản xuất nội khối đặt ra yêu cầu nội địa hoá sản phẩm thông qua việc phát triển công nghiệp phụ trợ. Cho đến nay, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực vẫn còn ở trong tình trạng phôi thai, cần được thúc đẩy sự phát triển bằng các biện pháp thích hợp.
Việc mở cửa đối với hàng hoá, dịch vụ đi kèm với việc áp đặt các tiêu chuẩn khắt khe về kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu không nhanh chóng cải thiện hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng, Việt Nam có nguy cơ đối diện với cảnh hàng hoá xuất khẩu bị trả về hàng loạt, cũng như dịch vụ cung ứng bị từ chối do không đạt các yêu cầu cần thiết để được thị trường nước sở tại tiếp nhận.
Với các cam kết mang tính nguyên tắc chung, các bên tham gia EVFTA buộc phải rà lại các chính sách và hệ thống luật pháp nội tại để có những biện pháp cải cách phù hợp. Chẳng hạn, luật pháp phải có những quy định chặt chẽ về an toàn và vệ sinh lao động, về các điều kiện lao động dành riêng cho phụ nữ, người chưa thành niên, người cao tuổi, người tàn tật, cũng như về bảo đảm sự tôn trọng đối với các quyền lợi và phẩm giá của người lao động. Sản phẩm làm ra trong điều kiện thiếu những quy định như thế có thể bị nước hữu quan từ chối tiếp nhận. Với những đòi hỏi này, ở góc độ cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam có thể không còn có được lợi thế của thị trường lao động giá rẻ như trước và buộc phải có những giải pháp khác, như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ưu đãi thuế, khuyến khích chuyển giao công nghệ tiên tiến,…
PGS TS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng tàixỉu online
(Nguồn: Báo Công An thành phố Hồ Chí Minh, chuyên mục Chuyện đầu tuần, số ngày 10/8/2020)
>> CHI TIẾT NỘI DUNG