Trang chủ - tàixỉu online

Đại học Hoa Sen – HSU
VI EN
tàixỉu online

Gender Talk #8: Vị Thế Cô Dâu Việt ở Đài Loan và ở Hàn Quốc

Ngày 29/04/2021, Trường Đại Học Hoa Sen đã tổ chức Hội thảo chuyên đề về giới và bình đẳng giới – Gender Talk #8 với chủ đề: “Vị Thế Cô Dâu Việt ở Đài Loan và ở Hàn Quốc.”

Mở đầu chủ đề 1: “Cô dâu Việt ở Hàn Quốc”, TS.Nguyễn Thị Phương Thảo đã trình bày ba nội dung chính: Tổng quan tình hình hôn nhân Việt – Hàn, địa vị xã hội của phụ nữ Hàn Quốc và, vị thế cô dâu Việt ở Hàn Quốc.


TS. Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ với các bạn sinh viên về tình hình hôn nhân Việt – Hàn.

Trước hết, cô Thảo đưa ra số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc (KOSTAT) về tình hình hôn nhân quốc tế nói chung và hôn nhân Việt – Hàn nói riêng. Theo KOSTAT, năm 2020, đã có 23.643 cuộc hôn nhân quốc tế tại Hàn Quốc, trong đó tỉ lệ kết hôn giữa chồng Hàn và vợ ngoại quốc chiếm tới 74,8%. Điều đáng chú ý là gần 80% các cặp đôi này có chồng hơn tuổi vợ (42% có chồng hơn 10 tuổi). Xét riêng về hôn nhân Việt – Hàn, khoảng 60% các cặp đôi kết hôn lần đầu và 70% là kết hôn thông qua trung tâm môi giới.

Kế đến, cô Thảo trình bày ba lý do chính phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc gồm: “Giấc mơ Hàn Quốc (Korean Dream)”, trào lưu Hàn Quốc (Hallyu) và lý do kinh tế. Tỉ lệ hôn nhân vợ Việt – chồng Hàn chiếm tới gần 40% tổng số hôn nhân quốc tế ở Hàn Quốc và số lượng cô dâu Việt đạt 44.172 người – nhiều nhất trong số các cô dâu nước ngoài ở Hàn năm 2019. Theo nghiên cứu, độ tuổi chênh lệch trung bình của các cặp đôi chồng Hàn – vợ Việt là 16 tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ li hôn của các gia đình Hàn – Việt cũng cao ở mức thứ hai, sau các cặp đôi Hàn – Trung. Hai lí do lớn nhất khiến các cặp đôi này li hôn là do chồng bạo hành, và sự khác biệt về lối sống sinh hoạt, quan điểm, và suy nghĩ.

Hàn Quốc là một trong số rất ít nước trên thế giới gọi các gia đình kết hôn quốc tế là “gia đình đa văn hóa” và những đứa trẻ sinh ra trong các gia đình này được gọi là “những đứa trẻ đa văn hóa”. Phần lớn những trẻ này không muốn và không được khuyến khích học tiếng mẹ đẻ và có tỉ lệ bỏ học cao do quan hệ bạn bè, thầy cô không tốt hoặc không theo kịp nội dung trên lớp.

Tiếp theo, cô Thảo đã làm nổi bật địa vị xã hội của phụ nữ Hàn Quốc trong thời phong kiến và hiện đại bằng những số liệu thống kê tiêu biểu về bình đẳng giới. Hàn Quốc là một đất nước bị ảnh hưởng sâu sắc bởi tư tưởng Nho giáo. Pháp luật thời phong kiến qui định nghiêm ngặt việc tái hôn cũng như những “phép tắc” trong gia đình đối với người phụ nữ Hàn Quốc, trong đó có 7 điều mà nếu người vợ phạm phải sẽ bị chồng đuổi khỏi nhà hoặc li hôn một cách hợp pháp (“thất xuất”). Bảy điều đó bao gồm: (1) không có con trai; (2) không nghe lời, phụng dưỡng bố mẹ chồng; (3) lắm lời; (4) ghen tuông; (5) dâm đãng; (6) ác tật; (7) trộm cắp.

Phụ nữ Hàn Quốc hiện đại phần nào được giải phóng những tư tưởng Nho giáo, nhưng họ lại chịu “gánh nặng vai trò kép” hoặc phải đảm đương nhiều vai trò trong cuộc sống. Nhiều phụ nữ Hàn có xu hướng không kết hôn hoặc không sinh con do bất bình đẳng giới ở Hàn Quốc vẫn rất cao. Về mức lương, Hàn Quốc có tỉ lệ chênh lệch mức lương giữa hai giới lớn nhất trong các nước phát triển. Tỷ lệ lãnh đạo nữ chỉ chiếm 2,1%.

Phần cuối cùng, cô Thảo giải thích về vị thế cô dâu Việt ở Hàn Quốc với đặc điểm là một “nhóm thiểu số (minority group)” cùng vô vàn những khó khăn, thách thức liên quan đến rào cản ngôn ngữ, khác biệt văn hóa, phân biệt đối xử, kinh tế, nuôi dạy con và xung đột gia đình. Tuy nhiên, cô Thảo cũng giới thiệu về một số trường hợp thành công của cô dâu Việt ở xứ Hàn nhờ nghị lực của chính các cô dâu cùng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Hàn Quốc.

Chuyển sang Chủ đề thứ hai: “Cô Dâu Việt ở Đài Loan” do Th.S Nguyễn Thị Ngân Hoài trình bày. Cô Hoài tập trung chia sẻ về “Tình hình chung về bình đẳng giới ở Đài Loan, nguyên nhân phụ nữ kết hôn chồng Đài Loan, và thuận lợi và khó khăn của cô dâu Việt ở Đài Loan.”

Về tình hình chung về bình đẳng giới ở Đài Loan, cô Hoài cho rằng Đài Loan là đất nước rất nỗ lực thúc đẩy quyền phụ nữ và bình đẳng giới và là một trong những nước dẫn đầu châu Á về bình đẳng giới. Cụ thể, năm 2016, Đài Loan có nữ tổng thống đầu tiên là Bà Thái Anh Văn. Tỷ lệ các nữ lập pháp là 38%, so với quốc tế là 22%. Chỉ số Bất bình đẳng Giới (GII) của Đài Loan năm 2017 đứng thứ 8 và 2019 đứng ở hàng thứ 6.


Th.S Nguyễn Thị Ngân Hoài trình bày về chủ đề Cô dâu Việt ở Đài Loan.

Kế đến là nguyên nhân phụ nữ kết hôn chồng Đài Loan. Cô Hoài chia sẻ làn sóng các cô gái nước ngoài kết hôn với người Đài Loan bắt đầu vào năm 1990 và càng ngày có thêm nhiều phụ nữ Đông Nam Á lấy chồng Đài Loan. Theo các nguyên cứu, một số nguyên nhân chính cho hiện tượng này là do:

  • Sự phân tầng xã hội ngày càng tăng, 
  • Một số nam giới ở Đài Loan không dễ tìm được bạn đời, 
  • Sự phát triển của các công ty môi giới về hôn nhân; 
  • Sự trỗi dậy của nữ quyền ở Đài Loan đối với hôn nhân; 
  • Sự gia tăng những cuộc hôn nhân thứ hai nhằm giải quyết khó khăn trong hôn nhân và việc nối dõi tông đường; và
  • Phụ nữ Đông Nam Á muốn thoát cảnh nghèo và muốn mở rộng tầm nhìn nên lấy chồng Đài Loan. 

Một số nghiên cứu của Trần, Nguyễn & Trần năm 2013 cho thấy động cơ các cô dâu Việt lấy chồng Đài gồm: Muốn giúp đỡ gia đình (46,7%), muốn điều kiện sống tốt hơn (26,7%), yêu chồng (17.8%), và muốn đổi đời (8,8%).

Theo khảo sát năm 2015, nhìn chung phụ nữ Việt Nam đã để lại những ấn tượng tốt đối với người dân Đài Loan như: hiền hòa, hiếu học, trung thành, đảm đang, chăm chỉ. 

Theo nghiên cứu của Mai Kim Thanh năm 2015, những phụ nữ Việt khi lấy chồng Đài Loan có những đặc điểm như trẻ trung, trình độ giáo dục thấp, ở vùng nông thôn, lao động phổ thông và lương rất thấp. Còn những đàn ông Đài Loan lấy vợ Việt có những đặc điểm như: tuổi cao, trình độ giáo dục thấp, đa phần ở nông thôn, lao động phổ thông, kinh tế không ổn định, tình trạng sức khỏe thường không tốt, và có người bị khuyết tật. Những đặc điểm của người chồng tiềm năng này thường không được bên môi giới cho biết mà họ thường vẽ ra một viễn cảnh giàu có, sang trọng, sung sướng, nhàn hạ cho các cô dâu Việt. 

Hình thức kết hôn giữa vợ Việt chồng Đài cũng rất đa dạng gồm: qua môi giới, mai mối, sang học tập, sang lao động, hoặc sang kinh doanh… Riêng việc kết hôn qua môi giới có nhiều rủi ro vì người phụ nữ không biết thông tin về người chồng Đài Loan. 

Ngoài ra, khán giả được nghe những khó khăn mà tân di dân Đông Nam Á, cụ thể cô dâu Việt thường gặp phải khi lấy chồng Đài từ các nghiên cứu của các học giả Đài Loan như: Cai (2000), Liu (2001), Wang (2001), Xia (2002), và Ding (2007):

  • Về bất đồng văn hóa, ngôn ngữ, giao tiếp, cô dâu Việt thường chưa đủ khả năng về ngôn ngữ nên có những bất đồng trong giao tiếp. Đồng thời, khi mới sang Đài Loan, họ thường ở nhà một thời gian dài cộng với giao tiếp ngôn ngữ kém nên dễ nảy sinh những hiểu lầm và bất đồng với các thành viên trong gia đình chồng. Ngoài ra, nền tảng giáo dục, văn hóa, những giá trị khác nhau nên dẫn đến những hành vi, suy nghĩ, nhận thức, thái độ và lối sống, ứng xử hàng ngày khác nhau và không dễ hội nhập. Vì vậy, khó khăn sẽ chồng chất khó khăn và làm căng thẳng cho các bên (Zheng, 2000; He, 2003; Ding, 2007).
  • Về kỳ thị trên truyền thông, tư tưởng gia trưởng hay thượng đẳng của xã hội Đài Loan thể hiện qua việc đưa tin về tân di dân thường tiêu cực như: hôn nhân mua bán, ly hôn, kết hôn giả, mại dâm, hoặc mục đích hôn nhân là lừa dối, lợi dụng. Do thiếu hiểu biết và bị tiêm nhiễm bởi những thông tin sai lệch nên người Đài Loan thường có vẻ có định kiến với tân di dân, cụ thể là cô dâu Việt. Xã hội Đài Loan cũng dựa vào kinh tế và tiền bạc để đánh giá người từ các nước khác nhau. Ví dụ: họ có dùng từ phân biệt đối xử cho cô dâu Việt vì đến từ nước đang phát triển, nhưng lại dùng khác cho các cô dâu đến từ các cường quốc như Nhật Bản, Hoa Kỳ. Dĩ nhiên, dựa vào sức mạnh kinh tế của nơi phụ nữ đến, họ bị đối xử rất khác nhau (Liu, 2001; Ding, 2007).
  • Về việc thích ứng kép với nhập cư và hôn nhân, nhập cư không chỉ là thay đổi nơi cư trú mà còn là một quá trình điều chỉnh các chuẩn mực xã hội, văn hóa và môi trường liên tục và người nhập cư phải đối mặt và thích ứng với những thách thức khác nhau. Tân di dân không chỉ nhập vào xã hội Đài Loan mà còn gia nhập vào gia đình mới. Vì vậy, họ rất cần sự hướng dẫn và trợ giúp không chỉ của người chồng, gia đình chồng, các tổ chức, toàn xã hội, các chính sách, luật pháp để trở thành công dân thích ứng và hội nhập nhanh.

Cuối cùng, cô Hoài trình bày những thuận lợi của các cô dâu Việt ở Đài Loan. Quyền lợi của Tân Di Dân ở Đài Loan ngày càng được quan tâm hơn trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống nhờ phong trào nữ quyền, bình đẳng giới và nhất là sự quan tâm của chính quyền Đài Loan đối với thế hệ con cái tương lai của Tân Di Dân. Chẳng hạn về y tế: Tân Di Dân được trợ cấp kiểm tra sức khỏe tiền sản; được trợ cấp hoặc được vay vốn hỗ trợ lập nghiệp khi gặp hoàn cảnh khó khăn như chồng mất tích, đi tù, qua đời, bị chồng ác ý bỏ rơi hoặc ly hôn do bị ngược đãi, bị bạo lực gia đình, và không có khả năng làm việc phải một mình nuôi con dưới 18 tuổi.

Có không ít các gương sáng điển hình của cô dâu Việt Nam được giới truyền thông đề cao vì họ đã nỗ lực hội nhập xã hội và đóng góp không ít cho đất nước Đài Loan. Họ là Cố vấn của Tổng Thống về các vấn đề liên quan đến Tân Di Dân, là quan chức Bộ Di trú, là giáo sư, là giáo viên Tiếng Việt tại các trường tiểu học; là tài xế xe tải rơ mooc; là người vợ tận tụy hy sinh và cống hiến cho Đài Loan.

PHIÊN THẢO LUẬN GENDER TALK #8

Phần thảo luận giữa khán giả và các vị khách mời cuối cùng của Gender Talk #8 rất “nóng” và rất sôi nổi. Ban Tổ Chức nhận được 35 câu hỏi từ khán giả. Trong thời gian có hạn, các vị khách mời và khán giả tập trung vào thảo luận về quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do lựa chọn người mình yêu của mọi người, mối quan hệ bất bình đẳng giữa các cặp vợ chồng Việt Nam và nước ngoài nói chung. 

Trên thực tế, nữ giới ở các nước đang phát triển sẽ gặp dị nghị, bị coi thường, bị phán xét ác ý do mối quan hệ hôn nhân không bình đẳng do trình độ phát triển kinh tế-xã hội giữa hai quốc gia không đồng đều, do quyền và tiền về cá nhân và gia đình không bình đẳng, do giáo dục hai bên không bình đẳng. Vì vậy, các cô dâu Việt thường (không phải tất cả) dễ bị xúc phạm nhân phẩm, bị các quảng cáo như những món hàng, thường bị lệ thuộc, thiệt thòi và bị vi phạm quyền của phụ nữ và quyền con người một cách trắng trợn như “mua bán trá hình trong hôn nhân, chồng mua vợ, mối quan hệ sugar daddy và sugar baby hay mua vợ để làm lao động việc nhà rẻ mạt, đồng thời là công cụ phục vụ tình dục”. 

Khách mời và khán giả đều dám nhìn thẳng vào sự thật dù rất đau lòng và ai trong khán phòng cũng đồng ý rằng tất cả đều có quyền chính đáng và khát khao yêu thương và lấy bất kỳ ai nếu mình yêu thương lẫn nhau bất kể tôn giáo, chủng tộc, quốc gia, v.v. Mọi người ra về với nhiều trăn trở về bình đẳng giới, về vai trò của nam nữ trong tình yêu, về gia đình, về đa văn hóa, và về các cô dâu Việt ở nước ngoài. Nhiều khán giả mong muốn được nghe thêm về các chủ đề về cô dâu Việt ở các nước phương Tây.

CẢM NHẬN CỦA KHÁN GIẢ VỀ GENDER TALK #8

#1 Bùi Văn Thắng: Qua buổi Gender Talk #8, em đã có rất nhiều trải nghiệm và cảm nhận về kiến thức về văn hóa xã hội để làm giàu thêm vốn hiểu biết của em về giới và bình đẳng giới. Những khó khăn mà những cô dâu Việt Nam ở Hàn quốc phải trải qua là bất đồng ngôn ngữ và khác biệt về văn hóa, định kiến và phân biệt đối xử. Em ấn tượng vì có cô dâu Việt ở Đài Loan có thể lái xe tải to làm phá vỡ vai trò giới truyền thống. Em có cảm xúc tức giận và căm phẫn đối với những đường dây buôn bán người đội lốt môi giới hôn nhân trá hình, từ việc ra giá cho mỗi cô dâu đó là hình thức vật thể hóa và thương mại hóa người phụ nữ, phụ nữ được xem là món hàng.
Ngoài ra, những công ty môi giới này còn treo đầu dê bán thịt chó bằng việc đưa sai lệch về thông tin chú rể dẫn tới những hoàn cảnh éo le của cô dâu, nhẹ thì cưới những người chồng làm lao động chân tay, nặng thì họ lấy phải những người chồng bệnh tật, tệ hơn họ còn có thể bị nhà chồng coi là nô lệ tình dục phục vụ thú tính của những người đàn ông trong gia đình. Chưa bao giờ em thấy giá trị của người phụ nữ trở nên rẻ rúng đến thế. Nhiều phụ nữ, ngay cả cha mẹ em, cũng suy nghĩ thiển cận rằng lấy chồng nước ngoài sẽ đổi đời.  

Ước mơ lấy chồng nước ngoài sẽ đổi đời một cách tự do là không sai, nhưng gian dối, trá hình thì đã gián tiếp đẩy con họ đến với hố sâu tuyệt vọng. Qua đó, chúng ta nên nhìn nhận lại không chỉ những cô dâu Việt ở nước ngoài mà kể cả trong một số cuộc hôn nhân ở Việt Nam, giá trị của người phụ nữ vẫn chưa được tôn trọng, họ cũng bị bạo hành, họ cũng bị quấy rối tình dục, họ cũng bị kiềm hãm và tra tấn bởi những hủ tục cũ kĩ. Chúng ta, đặc biệt là đàn ông, cần phải nhìn nhận lại bản thân mình, chúng ta chính là một nhân tố quan trọng chung sức giúp người phụ nữ lấy lại được giá trị của họ.

#2 Lâm Thanh Thảo: Em cảm thấy buổi tham dự GENDER TALK#8: “Cô dâu Việt ở Hàn Quốc và ở Đài Loan” rất hay và để lại trong lòng em nhiều cảm xúc. Những cô gái Việt được sang bên đó phần lớn là do môi giới. Em cảm thấy đồng cảm cho thân phận những cô gái quê hiền lành, không có đủ kiến thức, nhận thức về việc bảo vệ bản thân của mình, chấp nhận hy sinh lấy chồng xứ lạ để cha mẹ ở nhà có tiền thay đổi cuộc sống tốt hơn. Khi qua bên đó các cô gái gặp vô vàn khó khăn khi không biết ngôn ngữ, môi trường văn hóa mới, chưa kể đến việc chịu nhiều cảnh tủi nhục, bạo lực từ phía nhà chồng, sống một cuộc sống vô cùng đau khổ. Chỉ bấy nhiêu đây thôi cũng khiến em cảm thấy bức xúc. Em cũng là con gái, nhưng em lại được học đại học để mở mang tri thức, trao dồi kiến thức, được giao tiếp với những người xung quanh và vui sướng hơn khi em được học môn Giới và Phát Triển của cô Doãn Thị Ngọc. Em mong muốn những cô gái ở nông thôn hay thành thị đều phải được trang bị những kiến thức về quyền con người, quyền của phụ nữ, tôn trọng bản thân vì ngày nay phụ nữ Việt Nam được độc lập, bình đẳng, không còn là nô lệ của đồng tiền và tình dục. Em cũng mong muốn cô Ngọc và nhà trường sẽ tạo cơ hội cho em và các bạn khác có thể tham dự các workshop bổ ích sắp tới để chúng em có thêm những bài học sâu sắc và cái nhìn thực tế hơn về sự bình đẳng của nam và nữ ngày nay.

#3 Thạch Thị Kim Ngân: Em rất vui vì tham gia buổi Gender Talk #8 và được gặp T.S Nguyễn Thị Phương Thảo, Th.S Nguyễn Thị Ngân Hoài, Thầy Hoàng Bảo Trường Anh, thầy Nguyễn Văn Thuận, và cô Doãn Thị Ngọc. Cảm ơn các thầy cô đã cho chúng em những kiến thức và ánh nhìn rất chân thật về đời sống của các cô dâu ở Hàn Quốc và Đài Loan. Chúng ta thường nghĩ việc cưới chồng ngoại sẽ khiến cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn, nhưng thực tế lại rất khác. Kết hôn là gì? Kết hôn là minh chứng cho tình yêu của hai người đã thật sự sẵn sàng bên nhau đến trọn đời. Thật may mắn cho những người cưới chồng ngoại và được họ yêu thương. Nhưng những cuộc hôn nhân không xuất phát từ yêu thương thực sự thì thật đáng tiếc. Rất thương tiếc cho những gia đình khó khăn, cuộc đời đưa đẩy những cô gái Việt Nam vào con đường mà họ không biết ngày mai sẽ như thế nào, sướng hay khổ. Là người phụ nữ và em có cơ hội được đi học để trau dồi kiến thức, và may mắn được học môn “Giới và phát triển của cô Ngọc” nên nay em mong muốn tất cả phụ nữ hãy mạnh mẽ, hiểu rõ quyền được lựa chọn tình yêu và quyền được sống theo cuộc đời của chính mình. Hãy làm chủ số phận, chứ đừng phụ thuộc vào số phận.

#4 Nguyễn Đỗ Vân Thư: Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự một buổi Gender Talk #8 tại Trường Đại Học Hoa Sen. Hội trường thật sự rất đông khán giả, không khí sôi động vô cùng và tôi cũng hòa mình vào sự hào hứng với mọi người để nghe những chia sẻ về chủ đề Cô dâu Việt ở Hàn Quốc và ở Đài Loan. Tôi đã biết được rằng hầu hết các cuộc hôn nhân ngoại quốc này đều thông qua trung tâm môi giới, nơi dễ dàng đưa ra các thông tin sai lệch khiến cho các cô gái Việt Nam nhầm tưởng về người chồng tương lai của mình. Họ đã không có được sự chuẩn bị kĩ càng mà chỉ đơn giản là mong muốn hiện thực hóa giấc mơ Hàn Quốc, khát khao được sống ở một đất nước giàu đẹp, văn minh và sẽ có thể vững chắc về tài chính, kinh tế để phụ giúp cho gia đình ở Việt Nam. Sự chênh lệch tuổi tác lớn giữa các cặp hôn nhân vợ Việt – chồng Hàn đã dẫn đến sự khác biệt về tính cách, quan điểm sống và cũng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc bạo hành gia đình và cuối cùng là li hôn, sống trong một xã hội bị kỳ thị và phân biệt đối xử.

Phiên thảo luận chung của buổi Gender Talk #8 cũng đã mang lại cho tôi nhiều thông tin hữu ích. Tôi được lắng nghe các ý kiến đa dạng và sâu sắc từ các chuyên gia cũng như những người bạn cùng trang lứa chia sẻ về vai trò và vị trí của người phụ nữ và cả người đàn ông; làm sao để khuyến khích nhiều hơn sự tôn trọng và bình đẳng đối với người phụ nữ. Ở phần này, tôi lại ấn tượng hơn cả với những chia sẻ của cô Ngọc, Cô thường khiến mọi người bất ngờ khi cởi mở kể các câu chuyện và cô dạy cho chúng tôi rằng phụ nữ phải có học thức cao, độc lập về tài chính và biết sử dụng nước mắt đúng lúc, đúng chỗ! Bình đẳng giới gói gọn trong 8 chữ: bình đẳng về trách nhiệm, quyền lợi, vị trí và vai trò. Tôi đã được truyền cảm hứng để phấn đấu hơn, khẳng định vị thế của mình, cũng như không ngừng bày tỏ quan điểm, ủng hộ và trân trọng mọi người phụ nữ đứng lên thực hiện quyền và theo đuổi đam mê của họ.

#5 Trịnh Thị Tuyết Thơm: Từ phía góc nhìn cảm nhận của em, bình đẳng giới là vấn đề luôn được Đảng và Nhà nước dành sự ưu tiên đặc biệt và Việt Nam đã mang lại nhiều thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Như buổi Gender Talk #8 “ Vị thế của Cô Dâu Việt ở Hàn Quốc và ở Đài Loan” cho thấy mối quan hệ hai nước giữa Việt – Hàn và Việt – Đài ngày càng trở nên gần gũi và số lượng phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan gia tăng lên nhanh chóng. Nhiều phụ nữ Việt đã lấy chồng Hàn và chồng Đài Loan mang theo những ước mơ, khát khao đổi đời và thay đổi số phận của bản thân và gia đình. Nhưng họ gặp vô vàn khó khăn, từ rào cản ngôn ngữ, văn hóa, phân biệt đối xử, kinh tế, chăm sóc và dạy dỗ con cái, đến những khó khăn về xung đột gia đình với phía nhà chồng. Mặt khác, cũng có người nhờ vào ý chí, nghị lực đã phát triển tốt. Em rất bức xúc khi có những trung tâm môi giới cung cấp những thông tin sai lệch về người chồng, về cuộc sống nơi đất khách để lừa những cô dâu Việt. Sau khi tham gia Gender Talk #8, em thấy cần thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là mục tiêu phấn đấu của toàn nhân loại, trong đó có Việt Nam. Cảm ơn Ban Tổ Chức!

#6 Nguyễn Thị Ánh Dương: Gender Talk#8 đối với tôi không chỉ là một buổi workshop của các giảng viên, diễn giả để chia sẻ những thông tin về tỉ lệ những cô dâu Việt lấy chồng Hàn- Đài Loan thông thường, mà đến đây tôi cảm nhận được rất rõ những sự việc, những câu chuyện có thật hiện nay. Chẳng hạn như các cô gái trẻ Việt Nam thường rất mơ mộng lấy chồng Hàn Quốc vì xem trên tivi, phim ảnh thường thấy cuộc sống bên đó rất đẹp, lãng mạn và toàn màu hồng. Nhưng thực tế hầu như khác xa những gì chúng ta thấy. Số lượng cô dâu người Việt lấy chồng Hàn Quốc là cao nhất nên các công ty môi giới về việc kết hôn giữa người Việt và Hàn phát triển mạnh mẽ. Khi công ty đó giới thiệu bạn, họ sẽ cho bạn thấy những gì tốt đẹp nhất ở Hàn như bạn xem trên phim vậy. Nhưng bạn đâu biết được, theo lời các cô dâu Hàn Quốc kể lại, khi xuống sân bay từ đường về nhà họ chỉ thấy được những khung cảnh quê toàn cây cối và khác xa những gì được giới thiệu. Nhưng vì đã quá muộn, một phần họ cũng muốn đổi đời và bố mẹ của cô dâu Việt cũng nghĩ sẽ có cuộc sống tốt hơn nên cố gắng thôi. 

Sống bên Hàn không dễ như bạn nghĩ, nếu người khác biết bạn là người ngoại quốc và không biết nói tiếng Hàn thì bạn sẽ bị khinh bỉ và xem thường đấy. Nên hầu hết các bà mẹ Việt khi sinh con ở Hàn thường sẽ không dạy con tiếng Việt, vì nếu mọi người hay bạn của đứa trẻ biết nó là người ngoại quốc thì sẽ bị phân biệt đối xử ngay. Nhưng hiện nay Hàn Quốc có rất nhiều chính sách đãi ngộ cho những cô dâu ngoại quốc. Khi kết hôn, đừng vội vàng quyết định mà hãy tìm hiểu kĩ để sau này nhìn lại không hối hận cả tuổi đời đẹp đẽ. 

Buổi workshop hết sức sống động đặc biệt là cô Doãn Thị Ngọc cũng góp mặt trong cuộc đàm thoại làm cho không khí trở nên thú vị hơn. Khi đến phần dành cho sinh viên hỏi, các bạn sinh viên Hoa Sen rất năng nổ và có những câu hỏi hết sức hay và đầy ý nghĩa. Giúp cho các thầy cô có cơ hội truyền thêm những kinh nghiệm của mình đến chúng tôi. Xin cảm ơn Trường Đại Học Hoa Sen đã cho tôi tham gia Gender Talk #8 đầy ý nghĩa!

#7 Nguyễn Xuân Trinh: Gender Talk #8 làm em thấy rất vui vì cách chia sẻ của các thầy cô rất dí dỏm mô phỏng rất phong phú làm cho khán phòng ai cũng bật cười. Những kiến thức thầy cô chia sẻ rất hay kết hợp với những cách nói chuyện dí dỏm nên những kiến thức thầy cô nói em đều nghe và đặc biệt tiếp thu rất nhanh và hiểu được vấn đề. Những kiến thức thầy cô chia sẻ không chỉ gói gọn như tên chủ đề “ Cô dâu Việt Hàn”, thầy cô đã chia sẻ thêm về nữ quyền, về những lần trải nghiệm của các thầy cô để cho tất cả sinh viên có cơ hội học hỏi để biết cách làm dâu hay làm việc bất cứ ở đâu.

#8 Nguyễn Thu Thảo: Em rất vui khi được tham gia Gender Talk #8 vì mấy thầy cô mang cảm giác đến cho sinh viên cảm xúc rất vui nhộn. Em cũng biết vấn đề cô dâu Việt ở Hàn và khi đến Gender Talk #8 em được tìm hiểu kỹ hơn và được nghe thấy nhiều hơn về thực trạng hiện nay. Theo em nghĩ sau khi rút ra là Hàn quốc chỉ là nơi để du lịch, chứ không phải là nơi đáng để sống. Sau cuối buổi em đã cảm thấy biết ơn thầy cô đã đứng lên bảo vệ những cô dâu Việt về tình trạng như thế này.

#9 Phương Tú Thanh: Cảm nhận của em qua buổi Gender Talk #8 là thật bổ ích, sôi nổi, rất vui nhộn, và khó quên. Các cô đã giải thích cho em kiến thức và tình trạng hiện nay các cô dâu Việt Nam mình đã phải chịu những oan ức và đau khổ thế nào. Các thầy cô đã cho chúng em thấy thế nào là phải đứng lên bảo vệ và đấu tranh cho nữ quyền, giúp mọi người hiểu hơn bình đẳng ở giới. Ngoài ra còn có những mặt tốt ở Hàn Quốc và ở Đài Loan. Em mong chờ Gender Talk #9 và cảm ơn thầy cô đã đem đến một buổi thảo luận thật thành công.

#10 Lê Thị Mộng Quỳnh: May mắn vì em được biết và kết nối với cô Doãn Thị Ngọc qua một sự kiện về “Thúc đẩy Bình đẳng giới ở Việt Nam” tại Đại Học Fulbright. Em rất ấn tượng bởi cách cô Ngọc trình bày lôi cuốn, chứa nhiều thông tin giá trị và mới lạ được truyền đạt súc tích, dễ hiểu cùng các ví dụ thực tế được lồng ghép tinh tế và hài hước ở sự kiện đó. Hôm nay, đến với Gender Talk #8, điều em ấn tượng đầu tiên là sức “nóng” trong khán phòng vì khán giả rất đông. Diễn giả của chủ đề siêu xịn với học vấn khủng cùng bề dày kinh nghiệm thực tế. Cuộc sống của cô dâu Việt ở Hàn Quốc và Đài Loan được khắc họa hết sức chân thực qua các nghiên cứu, câu chuyện, hình ảnh,… được diễn giả trình bày chi tiết. 

Trước khi đến Gender Talk #8, em đã đọc và biết được cuộc sống của cô dâu Việt ở hai nước này trên các mặt báo, trang mạng xã hội,…. hồng có, đen tối có. Nhưng ở Gender Talk #8, em nắm được thông tin cơ bản toàn cảnh vị thế của các cô dâu, có cái nhìn đa chiều và khái quát hơn về cuộc sống của họ ở nơi đất khách từ các góc nhìn khách quan, không thiên vị và không đổ lỗi. 

Điều đặc biệt ở Gender Talk #8 mà em cảm nhận được đó là càng thương số phận của các cô dâu Việt bị bạo hành, bị bóc lột. Các khán giả tham dự càng hiểu hơn về tầm quan trọng của Bình đẳng giới bao nhiêu thì càng mong muốn được độc lập, được làm chủ cuộc đời của mình mãnh liệt bấy nhiêu. Điều này được thể hiện qua những tràng pháo tay không ngừng khi cô Ngọc nhấn mạnh “Nữ giới ngày nay phải có trình độ cao, độc lập về tài chính, độc lập về cảm xúc, và biết dùng nước mắt đúng lúc đúng chỗ, đúng người”. 

Sau Gender Talk #8, em vẫn cảm thấy chua xót khi tưởng tượng viễn cảnh các cô dâu Việt bị rao bán, bị người khác chọn như “món hàng” để lấy về “làm vợ”. Em vẫn trăn trở, suy tư với những câu hỏi: Làm thế nào để phụ nữ Việt Nam trở thành cô dâu nước ngoài được tôn trọng, chứ không phải vì bị lừa, vì giúp gia đình trả nợ, vì khao khát cuộc sống an nhàn, nhờ vả, phụ thuộc, bị kỳ thị. Tại sao có những cô dâu Việt rất khổ nhưng vẫn không muốn về Việt Nam vì cho rằng ở nước ngoài vẫn sướng hơn ở Việt Nam? Tôi từng thấy có những người có học hàm học vị cao, cả nam lẫn nữ vẫn phân biệt đối xử, định kiến giới. Chúng ta cần phải làm gì để góp phần thúc đẩy bình đẳng giới một cách có chiến lược, có hiệu quả? Mong rằng Gender Talk sẽ diễn ra thường xuyên hơn, mở rộng hơn để những kiến thức về Giới và Bình đẳng giới cho mọi người mọi tầng lớp xã hội. Cảm ơn Ban tổ chức! 

# 11 Nguyễn Thu Hằng cho rằng là người Việt lấy chồng nước ngoài ít nhiều sẽ gặp phải những dị nghị và định kiến. Điều này không thể tránh khỏi, bởi đây là hệ lụy của việc “môi giới hôn nhân trước đây” để lại. Tuy nhiên, tôi từng tiếp xúc với những cô dâu Việt tích cực. Dù bị hiểu lầm hoặc khinh thường, nhưng họ luôn cố gắng tìm mọi cơ hội học tập và khẳng định mình. “Ở Đài Loan có rất nhiều lớp học miễn phí cho người di dân mới, như: lớp tiếng Trung miễn phí, lớp học trang điểm,… thậm chí có những lớp học từ tiểu học trở lên, tạo điều kiện cho phụ nữ đi học và có cơ hội học lên đại học. Quá trình học tập và tiếp xúc với người mới, môi trường mới sẽ giúp các cô dâu Việt hiểu biết nhiều thông tin tốt hơn, chủ động công việc, tài chính, phát huy điểm tốt của bản thân…”. Sau một buổi Gender talk diễn ra và điều này khiến tôi nhận ra những vấn đề đang xảy ra đối với cô dâu Việt Nam khi lấy chồng Hàn vô cùng không dễ vì người phụ nữ phải chịu quá nhiều thiệt.

#12 Đặng Hoàng Phương Trinh: Chủ đề Gender Talk #8:TS. Nguyễn Thị Phương Thảo và Th.s Nguyễn Thị Ngân Hoài cũng đã trình bày lý do tại sao họ lại chọn lấy chồng ngoại. Một số người vì gia đình, hoàn cảnh nên họ buộc phải như vậy. Bên cạnh đó là những khó khăn, trở ngại, rào cản của các cô dâu và chính quyền mỗi nước cũng đã đưa ra một số biện pháp để có thể bảo vệ quyền lợi của những cô dâu Việt. Gender Talk #8 không chỉ dừng ở đó mà còn để mở rộng ra vấn đề về định kiến giới, bình đẳng giới không chỉ ở Việt Nam nói riêng mà thế giới nói chung. Sau phiên thảo luận hôm đó em đã có thêm được rất nhiều kiến thức mới, em biết được rằng bình đẳng giới không phải chỉ đòi quyền cho nữ giới hay đạp nam giới xuống mà là mọi người đều có lợi. Và không chỉ nữ giới bị nhiều định kiến xã hội mà ngay cả nam giới khi phải gánh nhiều hơn trọng trách do xã hội áp đặt cũng đã tạo áp lực cho họ rất nhiều. Và một điều cuối cùng đó là mọi người đặt câu hỏi rằng nam giới Việt Nam phải làm thế nào khi nữ giới thích lấy chồng ngoại hơn? Câu hỏi đặt ra nhận được rất nhiều phản hồi và mọi người sôi nổi hơn nữa. Đây thật sự là một buổi workshop thú vị và cho em thêm rất nhiều kiến thức em mong muốn. Cảm ơn Ban Tổ Chức!

Doãn Thị Ngọc, Nguyễn Thị Phương Thảo và Nguyễn Thị Ngân Hoài

Facebook Youtube Tiktok Zalo