Giáo dục trước hết là tự giáo dục
Suy thoái nghiêm trọng về đạo đức xã hội là điều không còn gì bàn cãi, thực tế đã quá hiển nhiên. Nhưng có phải vì vậy mà chúng ta cứ triền miên kêu ca, song vẫn mặc nhiên chấp nhận? Thực trạng này càng không thể dung dưỡng trong giáo dục, nếu chúng ta muốn nó vẫn còn là giáo dục.
Chạm đáy chưa? Dưới đáy liệu có còn có đáy sâu hơn?
Câu hỏi không dành riêng cho tình hình kinh tế. Báo chí và công luận vừa rộ lên vụ Đồi Ngô với những đoạn clip quay bằng thiết bị mang vào phòng thi “trái phép”; nhưng nếu không trái thì có cách nào khác để chứng minh một thực tế mà ai cũng biết, biết rõ nhất lại chính là người trong cuộc?
Song, chứng minh để làm gì, có thay đổi được gì không khi kết quả thi vẫn là 98,97% học sinh tốt nghiệp? Sự việc không dừng ở đó. Điểm thi đại học, cao đẳng năm nay được ghi nhận là khá “đẹp” vì “phổ điểm trung bình từ 15 điểm trở lên cao hơn năm ngoái”.
Khoa học thống kê cũng như lý trí thông thường đều hiểu trình độ thí sinh trên số lượng lớn không ngẫu nhiên tăng giảm qua từng năm học khi không có yếu tố gây đột biến. Vậy những biến ảo tăng giảm, xấu đẹp kia có nguyên nhân từ đâu? Đề thi? Thang điểm? Người chấm? Áp lực của công luận? Nhu cầu tạo nguồn tuyển cho các trường? Hay nguyên nhân nào khác, chẳng hạn… lỗi hệ thống?
Vả lại, ai cũng biết – nhưng mọi người đều thản nhiên quên, hay họ đang “lờ”, “vờ” gì đó – rằng học không phải chỉ để thi, đánh giá năng lực học sinh không chỉ qua điểm số. Đổi mới giảng dạy, học tập chăng? Chương trình nhiều lần hô “giảm tải”, gánh nặng vẫn oằn vai cả thầy, trò và phụ huynh.
Lâu lâu người ta lại hào hứng – rồi lập tức không khỏi băn khoăn – với những đề thi như “thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội”, v.v… Hào hứng vì câu hỏi thiết thực, còn băn khoăn vì ai sẽ trả lời ai, và ai chấm điểm ai, người chấm thi và cả cấp trên của ngành, của đất nước liệu có đủ tự tin nghe câu trả lời và kiến giải của các bạn trẻ? Họ sẽ dựa trên tiêu chí nào để lượng giá, “cho điểm”? Cái gì, ai sẽ đảm bảo đáp án và cách hiểu đề, cách chấm thi là xác đáng, hợp lý và đủ chặt chẽ, công bằng, thuyết phục, giữa thực tế nhiễu nhương, đúng sai phải quấy từ lâu điên đảo ngoài xã hội, tư duy lý tính hay chuẩn mực đạo đức đều từ lâu mất vị thế ở nhà trường? Những câu hỏi này đặt ra khi mới đọc các đề thi được khen “hay”.
Thực tế càng phũ phàng hơn, sau khi có kết quả chấm: hàng loạt thí sinh có điểm thi tuyển sinh đại học cao gấp hai, ba lần điểm thi cùng môn của chính mình cách đó không lâu ở kỳ thi tốt nghiệp phổ thông; thầy, trò và mọi người đều biết là rất bất thường. Trong cuộc thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục 2005, một nhà giáo từng góp ý: dự thảo luật thể hiện quản lý tập trung quá nhiều, dùng quá nhiều từ “phải” (hoạt động giáo dục phải…, phương thức giáo dục phải…, nội dung giáo dục phải…, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải…, hiệu trưởng phải…, nhà giáo phải…).
Và cảnh báo: “Hiện nay hệ quả xấu của quy luật “dùi gõ đục, đục gõ săng” khá rõ; thầy cô giáo dùng bạo lực với học sinh ngày càng phổ biến và với hình thức ngày càng khó chấp nhận là một trong những hệ quả của quan niệm sai lầm về giáo dục. Giáo dục không thể là áp đặt, càng không thể đơn thuần áp đặt bằng mệnh lệnh hành chính hay bằng “mạnh hiếp yếu”.
Từ bao lâu rồi, thực tế đã không được nhìn thấy, lời ngay không được lắng nghe, người lương thiện không được bảo vệ, vì thói quen áp đặt một cách nhìn từ trên xuống? Nếu nhà giáo luôn là “cấp dưới” trong thang bậc đó thì học sinh còn “dưới” cỡ nào? Sau bao nhiêu đổi mới và cải cách, chúng ta vẫn chưa thoát khỏi tình trạng các cấp quản lý giáo dục đẽo cày giữa đường; mà người học, gia đình và thầy cô đều không tránh khỏi cảm giác là nạn nhân bất lực, trong khi, phân tích thêm một chút, ai cũng có dự phần ít nhiều là thủ phạm của vô số điều không như ý. Phải chăng chúng ta cần tự cứu thay vì chờ trời cứu?
Tự chủ, tự cường, làm được hay không?
Tự chủ ư? Trẻ em không làm được, không đủ sức khi chúng còn quá nhỏ. Bậc học đáng quan tâm nhất do vậy vẫn là nhà trẻ, mẫu giáo, ở giai đoạn đầu đời khi những yếu tố cơ bản của nhân cách được định hình, cũng là lúc trẻ dễ bị áp đặt, “ức hiếp” từ người lớn, với lý cớ trẻ “còn nhỏ”. Đó cũng là bậc học nhận được sự đầu tư ít nhất từ Nhà nước. Bất bình đẳng xã hội sẽ không tránh khỏi tái sản xuất rõ rệt và mạnh mẽ nhất ngay từ bậc học quan trọng này, để lại hệ lụy vô cùng lớn lao, lâu dài cho xã hội. Song nạn nhân không chỉ có những người nghèo khó.
Ở thành thị, cha mẹ có điều kiện ngày càng lựa chọn trường quốc tế. Nền giáo dục quốc gia trong đó những gia đình có phương tiện nhất lại phải chọn – dù tự nguyện hay miễn cưỡng chẳng đặng đừng – giao con trẻ cho cơ sở giáo dục nước ngoài, chắc chắn không phải là bình thường, lành mạnh; dù động cơ của các gia đình nhiều khi là chính đáng.
Trong buổi thuyết trình của Hiệp hội Montessori quốc tế (AMI) tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, các trường sư phạm mẫu giáo và các cơ sở giáo dục mầm non cũng như những người quan tâm có cơ hội tìm hiểu hay cập nhật kiến thức về tư tưởng và kinh nghiệm của bác sĩ nhi khoa đồng thời là nhà giáo dục lớn người Ý Maria Montessori (1870-1952).
Người tham dự đều thấy rõ người Việt Nam bức xúc về những khiếm khuyết, bất cập trong giáo dục và khao khát học hỏi những phương pháp giáo dục hiện đại để chăm sóc tốt cho con trẻ. Con đường thực hiện giáo dục theo tư tưởng Montessori tuy vậy không hề đơn giản, vì người dạy trẻ cần học cách tôn trọng trẻ như một con người độc lập với cha mẹ, thầy cô, xã hội, một nhân cách tự do, một hạt giống đã chứa trong bản thân nó mọi tiềm năng phát triển.
Giáo dục là tạo điều kiện tốt nhất có thể để mỗi trẻ thơ trở thành con người mà nó có khả năng trở thành, chứ không phải là con người như người lớn mong muốn, kỳ vọng và thường áp đặt nó phải trở thành. Triết lý giáo dục nhân bản này sẽ chỉ phát huy tác dụng rộng rãi khi nó do người Việt thấm nhuần, áp dụng cho nhiều trẻ em Việt được hưởng thụ.
Một bác sĩ nhi đã tự tìm hiểu phương pháp Montessori để trước hết là chữa trị rối nhiễu tâm lý cho cháu mình, rồi từ kinh nghiệm đó mở một trường mầm non Bambini. Sẽ tốt biết bao nếu có nhiều người biết tự cứu và mở rộng hoạt động cứu người như chị. Thật ra, nỗ lực tự cứu của công chúng từ lâu đã khá tích cực.
Người có tiền hoặc bằng mọi cách tự xoay xở được thì đã cho con đi “tị nạn giáo dục”, gởi chúng đến những môi trường học tập làm họ yên tâm hơn cả về chất lượng giáo dục, tính liêm chính trong hiện tại và năng lực cạnh tranh trong tương lai. Nông dân nghèo nhịn ăn nhịn mặc, bán mọi thứ bán được cho con đi học đại học với kỳ vọng “đổi đời”.
Nhưng rồi kỳ vọng của người nghèo hay người khá giả có đạt được không, vẫn phụ thuộc phần lớn vào năng lực tự chủ, tự cường của từng bạn trẻ. Nếu nhận dạng đúng căn bệnh trầm kha đã ăn vào cốt tủy của giáo dục Việt Nam hiện tại là chạy theo thành tích ảo, giá trị ảo, phải chăng phương thuốc cấp cứu trong tầm tay mọi thầy cô giáo có lương tâm, cha mẹ có trách nhiệm và ngay trong bản thân từng người học tuổi thiếu niên và thanh niên là tự thay đổi chính kỳ vọng và não trạng của mình?
Tự thay đổi, với các bậc phụ huynh là dũng cảm từ chối làm điều mà hình như “ai nấy đều đang làm”, như hối lộ để chạy trường, chạy điểm, cho con đi “học thêm” với chính thầy cô giáo đang đứng lớp ở trường để được “yên thân” và mưu cầu thành tích ảo… Quan tâm xem các nhà trường “không tử tế” đang làm hỏng sự lương thiện tự nhiên của con mình như thế nào để giúp con tự vệ, thay vì chỉ quay quắt lo con không đạt “xuất sắc”…
Với thầy cô giáo, là không bon chen danh lợi mà an nhiên làm công việc người thầy, là truyền cảm hứng học hỏi và khám phá tri thức cho các em, hướng các em đến những giá trị đạo đức phổ quát như tự trọng và tôn trọng người khác, yêu công lý, khát tự do, phấn đấu vì bình đẳng, yêu thương giữa người và người…
Dẫu có chịu áp lực áo cơm thì cũng giữ chút liêm sỉ của người thầy, bởi lý do cơm áo không thực sự giải thích được sự sa đọa về đạo đức. Biết bao nhiêu thầy cô giáo với thu nhập còm cõi vẫn đang là những nhà giáo có lương tâm nghề nghiệp và được học sinh quý trọng; còn đánh bài bạc tỉ, mua dâm nữ sinh là đặc quyền của quan chức sâu mọt trong ngành giáo dục.
Thái độ “mũ ni che tai, bàng quan thế sự” chỉ cốt yên thân hiện là phổ biến, với cớ “ai cũng vậy, nói có ích gì”. Song nó tai hại bởi từ im lặng chịu đựng đến đồng lõa với cái xấu, cái sai, sự dối trá, gian lận, ranh giới như đường tơ kẽ tóc. Khi ấy, trách sao tuổi trẻ chỉ “lên án” sự vô đạo đức trong bài văn nhằm kiếm điểm mà thôi?
Còn các bạn trẻ, thay đổi là tỉnh táo, chủ động học cho mình, vì tri thức, kỹ năng và những ứng xử cần thiết trong nghề nghiệp sau này, học để suy nghĩ, tìm tòi và tự xác định những giá trị mà bạn có thể sống chết vì nó, chứ không thụ động “làm theo thiên hạ” hay theo sắp đặt của mẹ cha với tâm lý ỷ lại… Là thể hiện khí phách tuổi hai mươi, “giữa đường thấy chuyện bất bằng chẳng tha” thay vì đổ thừa thế hệ đi trước về mọi điều mình chưa làm được… Với mọi phương tiện truyền thông hiện đại trong tầm tay, tự mình tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra hằng ngày ở nước mình và nhiều nước khác, tự suy nghĩ bằng cái đầu của mình, dám yêu thương, phẫn nộ và hành động từ trái tim, khối óc của chính mình…
Nếu các bạn tự chủ – không có tự do, tự chủ đích thực nào lại chỉ chờ người ta ban phát trong một quan hệ xin-cho – tự cường, tự giáo dục mình thành người công dân có trách nhiệm… thì việc bạn vào đại học hay vào đời bằng con đường nào khác đều chẳng phải là đáng bận tâm lắm đâu. Giáo dục, như ý nghĩa ngàn đời giản dị của nó, trước hết là tự giáo dục, để nên người.
Theo Bùi Trân Phượng
(Nguồn: )