Khuyến khích tiêu dùng nội địa để thúc đẩy phát triển kinh tế
Sớm kiểm soát được dịch bệnh không cho lây lan trong cộng đồng, trong khi gần như cả thế giới vẫn rất chật vật trong cuộc chiến phòng chống dịch, Việt nam có cơ hội đi trước trong công cuộc phục hồi kinh tế. Tận dụng cơ hội vàng là chỉ thị của Thủ tướng trong hội nghị Thủ tướng Chính phủ và doanh nghiệp lần thứ 4 vừa qua. Đồng thời với việc đưa ra chỉ thị ấy, Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung nỗ lực vào 5 mũi giáp công: thu hút đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.
Nói riêng về khuyến khích tiêu dùng nội địa, điều quan trọng là phải nhìn nhận cho đúng tiềm năng của một thị trường với gần 100 triệu dân có thu nhập bình quân đạt mức trung bình. Trong một thời gian rất dài, các doanh nghiệp trong nước dành nhiều nỗ lực để tìm và củng cố chỗ đứng ở thị trường nước ngoài, do đó, có phần xao lãng trong cuộc chiến giành thị phần trong nước. Hậu quả là sự phổ biến của hàng hoá nước ngoài với chất lượng và giá cả cạnh tranh khiến người tiêu dùng nội địa không quan tâm nhiều đến hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước, dù chất lượng không thua kém.
Trong lĩnh vực du lịch, các doanh nghiệp trong nước có xu hướng kết nối với đối tác nước ngoài tổ chức tour du lịch ra nước ngoài với giá cả hợp lý, chương trình tham quan, thư giãn, giải trí, trải nghiệm hấp dẫn. Theo các tour ấy, người Việt Nam thuộc đủ mọi tầng lớp lũ lượt ra nước ngoài để chi tiêu và tất nhiên, góp phần giúp ngành công nghiệp du lịch nước sở tại phát triển.
Trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ, rất nhiều người Việt chọn ra nước ngoài để trị bệnh, do được thuyết phục bởi các quảng cáo, trong khi dịch vụ trong nước không hề thua kém. Thậm chí trong lĩnh vực giáo dục, nhiều học sinh Việt Nam xuất thân từ các gia đình khá giả ra nước ngoài học đại học với mức học phí cao, giúp cho các trường đại học nước ngoài có nguồn thu từ sinh viên quốc tế.
Cơ hội vàng đang mở ra về phương diện kích cầu tiêu dùng nội địa được hiểu là khoảng thời gian mà hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các nước đang đình đốn do chính sách giãn cách xã hội, trong khi ở Việt Nam, đời sống kinh tế vẫn diễn ra bình thường. Đây là lúc tăng tốc để bứt phá.
Trong lĩnh vực sản xuất hàng hoá, cần khuyến khích doanh nghiệp cải tiến mẫu mã, cải thiện chất lượng và hoàn thiện hệ thống dịch vụ hậu mãi. Một khi người tiêu dùng đã dần quen với hàng nội và giao thương trên phạm vi toàn thế giới trở lại bình thường, thì nhà sản xuất Việt Nam sẽ tham gia cạnh tranh trên sân nhà với nhà sản xuất nước ngoài trong tư thế tự tin chấp nhận đương đầu, không ngán ngại.
Trong lĩnh vực du lịch, cẩn đẩy mạnh việc quảng bá hình ảnh đất nước trong mắt đồng bào, đồng thời có chính sách khuyến khích người Việt sử dụng sản phẩm du lịch Việt: giảm giá lưu trú tại các khách sạn, điểm nghỉ dưỡng cao cấp nhưng vẫn giữ nguyên chất lượng phục vụ; đa dạng hoá các loại hình du lịch; tạo sản phẩm du lịch mới;…
Trong lĩnh vực giáo dục, cần đầu tư hiện đại hoá cơ sở vật chất và cải thiện chất lượng đào tạo; đặc biệt đẩy mạnh triển khai các chương trình chất lượng cao hoàn toàn bằng tiếng Anh, để người học có kế hoạch du học nước ngoài chấp nhận từ bỏ kế hoạch đó và ở lại học tập trong nước. Các cơ sở khám, chữa bệnh được nâng cấp về trang thiết bị, có chính sách đãi ngộ nhằm thu hút chuyên gia lành nghề để có thể cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ không thua kém nước ngoài.
Với một nền nội thương phát triển vững mạnh, chắc chắn khi tình hình giao thương quốc tế được cải thiện, doanh nghiệp trong nước sẽ có được sức mạnh mới để chinh phục sân chơi toàn cầu.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Điện
Hiệu trưởng tàixỉu online
(Bài đăng chuyên mục Chuyện đầu tuần trên báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh số 4262 ngày 11-5-2020)