Trang chủ - tàixỉu online

Đại học Hoa Sen – HSU
VI EN
tàixỉu online

Tạo chỗ cho trẻ chơi

Lại một đợt dịch Sars- Covi-2 mới bùng phát, lại những giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó… khiến mùa hè đang dần đến cùng bao ưu tư với các gia đình có con nhỏ. Đó không chỉ là làm sao cho trẻ ở nhà trong kỳ nghỉ hè vui khỏe an toàn để người lớn an tâm “ cày cuốc”, mà còn là nỗi lo tổ chức phòng ốc giúp trẻ có thể chơi mà học, không bị tù túng ngột ngạt hay nghịch ngợm nguy hại.

Về căn bản nhà cửa trước giờ vẫn xây dựng chủ yếu cho người lớn, từ tiêu chuẩn áp dụng đến cấu trúc không gian. Một số nhà bình thường khi cần cải tạo không gian làm nhà trẻ, trường nghệ thuật thiếu nhi…hầu như phải sửa chữa, biến đổi từ trong ra ngoài để đảm bảo tương thích với trẻ em. Ít thì căng cáp, làm rào chắn an toàn, nhiều thì thay đổi toàn bộ vật liệu, màu sơn, trang thiết bị…cho phù hợp nhân trắc và đối tượng sử dụng.

Nhiều phụ huynh than thở không hiểu sao con em mình cứ “hở ra chỉ muốn chơi!” mà quên rằng chính mình thuở xưa cũng từng một thời “ nhất quỷ nhì ma…” Chuyện trẻ ham chơi thực ra rất bình thường, chứ trẻ mà ngồi im một chỗ, không chơi đùa nghịch ngợm gì mới đáng lo ngại, tuổi ngây thơ trong trẻo vẫn là tuổi ăn tuổi ngủ tuổi nghịch tuổi chơi. Không ít nhà sau khi hoàn thiện đầy đủ các chức năng cơ bản cho trẻ như góc học tập, giường ngủ, tủ đồ …bỗng vô tình phát hiện hình như nhà mình thiếu chỗ chơi! Hình như chỗ nào trong nhà cũng thấy đồ chơi vương vãi, trên tường viết vẽ nguệch ngoạc khắp nơi, như một điều kiện cần để…các hãng sơn hiện nay tung ra sản phẩm “lau chùi hiệu quả”.

Do vậy, việc sắp xếp các khoảng không gian vui chơi phù hợp cho trẻ không chỉ giúp những người – sẽ – thành – người – lớn được thể hiện bản tính hiếu động, được thỏa chí nghịch ngợm và tìm hiểu thế giới chung quanh, mà còn có được các góc chơi mà học, học mà chơi hiệu quả. Tùy theo điều kiện cụ thể, góc chơi này có thể như một phòng sinh hoạt của trẻ, hay đơn giản hơn, là khoảng trống trong phòng riêng. Thậm chí, một hành lang đủ rộng để có chỗ bày ra các trò chơi, một hàng hiên sau nhà đủ thoáng để nhiều trẻ chơi chung, quây quần cùng gia đình….đều có thể tính toán bài trí từ đầu trong cấu trúc không gian, miễn sao đảm bảo các tiêu chí cơ bản tạm gọi là 4T như sau:

Thoáng đãng

Không chỉ vào thời giãn cách cần không khí lưu thông, mà bình thường thì nắng gió đủ đầy luôn là yêu cầu cốt yếu cho phát triển thể chất, trẻ có thể vui chơi mà không bị tối tăm hay vướng víu. Thoáng đãng nhờ mở cửa được ra ngoài hoặc giếng trời, sân sau. Thoáng đãng còn là tránh các bài trí “ cứng” gây va vấp, tránh những “ hang hốc” khiến trẻ có thể chui trốn, khó dọn dẹp. Do đó không nhất thiết phải “ nhốt” trẻ vào một phòng, mà có thể tìm không gian tại giao điểm các phòng, nếu không thông gió trực tiếp thì cũng phải gián tiếp, tránh những chỗ bị đóng kín vừa thiếu thông thoáng vừa khó quan sát, kiểm tra và dọn dẹp. 


Cần tận dụng những khoảng trống hiếm hoi trong điều kiện nhà phố thị để bố trí góc chơi tự nhiên, đơn giản, nhưng đủ nắng gió thoáng đãng cho trẻ.

Đi cùng với các thiết bị lọc không khí tối tân ( nếu nhà có điều kiện), cần tăng cường hiện diện của cây cảnh như trầu bà, lưỡi hổ, lô hội, dương xỉ, lan ý…là những cây được khoa học chứng minh có khả năng hút các chất độc như formaldehyde, benzene, xylene…vốn tồn tại trong đồ đạc, khói bếp và các thiết bị gia dụng. Một số cây như đa búp đỏ, thường xuân… có thể loại bỏ mùi nấm mốc, giảm ô nhiễm không khí trong nhà, giúp không gian của trẻ thêm sinh động, tươi mát, tăng tính thẩm mỹ…

Dĩ nhiên cây trong nhà nên dùng chậu gọn nhẹ, dễ chăm sóc, tỉa gọn, có đĩa kê bên dưới, và có thể đặt cây vào những góc tường, lối cửa ra vào để giảm va chạm. Cũng nên tránh các loại cây có độc tố trong thân, lá, nhựa cây; những cây dễ thu hút côn trùng, sâu bọ,… có thể gây hại cho trẻ nếu không may tiếp xúc.

Thoải mái

Vì là chỗ chơi, và bản tính trẻ con thường mau chán, nên không nhất thiết không gian cho trẻ phải gò bó vào một kiểu thức trang trí hay chi tiết cầu kỳ, mà cần đề cao tính năng động, “thích là nhích” miễn sao an toàn. Với sàn nhà, có thể trải thảm hoặc tấm lót sàn cao su để làm mềm bề mặt, chống trơn trượt, giữ an toàn…hiện có nhiều thương hiệu uy tín trên thị trường với dạng tấm trải, miếng ghép, hoặc dán keo lên nền gạch có sẵn.

Sự thoải mái còn thể hiện qua cách thức xử lý tường, ví dụ như tạo bối cảnh linh hoạt, đa năng với các tấm phông nền cuốn trục ( kiểu các studio chụp ảnh hay sử dụng), hoặc dùng vách ngăn nhẹ bằng tấm Duraflex không amiante (*) làm vách ngăn nhẹ. 


Hệ tủ kệ, giường tầng liên hoàn hiện được ưa chuộng nhiều khi trang bị cho phòng trẻ.

Đồ đạc cho phòng trẻ cần có kết cấu chắc chắn để tránh nguy hiểm nhưng lại phải cơ động để khi cần thì có thể mở rộng, thay đổi kích cỡ đồ dùng theo sự phát triển của trẻ sau này. Ngày nay, các phụ huynh ưa chọn tổ hợp đồ nội thất mang tính đa năng, như các hệ giường tầng có cầu trượt, có thể kết hợp làm bàn học – tủ áo – giá sách…hoặc hệ tủ – kệ sách- bàn học liên kết, bên dưới có các hộc tủ đựng vật dụng. Thực tế thi công cho thấy nếu khéo kết hợp đồ nội thất đa năng thì có thể tiết kiệm đến 30 % diện tích chiếm chỗ của vật dụng từ đó tạo thêm chỗ chơi trên sàn. Tuy nhiên cần chọn kiểu đồ phù hợp với độ tuổi và tính chất sinh hoạt của trẻ, vì một số cấu trúc nội thất linh hoạt hợp cho người lớn hoặc trẻ tuổi teen ( phải đóng mở, xếp trượt thiết bị, hoặc leo trèo cầu thang) chứ không an toàn với trẻ tuổi nhi đồng.

Tiết kiệm: 

Bản chất việc tiết kiệm kinh phí không phải bớt đi, mà là tính toán nhiều hơn. Khi được gán ghép thêm công dụng sẽ hướng đến giải pháp đa nhiệm: một bức tường kiêm bảng vẽ hay màn hình, một khoảng sàn có thể lăn lê bò toài, muốn chơi siêu nhân đủ chỗ xà quần mà cần xếp lego cũng ô kê bấy bề !!!


Không gian dành cho trẻ dù lớn hay nhỏ, dù “xa hoa lộng lẫy” hay đơn giản hết mức đều phải chú trọng tiêu chí 4T: Thoáng đãng, Thoải mái, Tiết kiệm và Trẻ thơ.

Tính kinh tế còn thể hiện ở vật liệu hoàn thiện đảm bảo về độ bền để không thay đổi nhiều gây hao tốn, dễ làm sạch, bảo trì bảo dưỡng, và nhất là hạn chế tối đa các yếu tố có nguy cơ gây thương tích cho trẻ. Ví dụ như thay vì chọn lát gạch rẻ tiền khoảng 150.000đ – 200.000đ/ m2 (chưa tính phí nhân công và vật tư phụ) vừa cứng vừa trơn không an toàn, thì chỗ trẻ chơi có thể lát sàn gỗ 300.000/m2  (đã bao gồm nhân công) mềm mại, sạch sẽ hơn, hoặc lót thảm dạng xốp, dạng bọt Ethylene Vinyl Acetate 250.000đ  đến 300.000đ/ m2. Môt số loại thảm ghép phụ huynh có thể mua về tự làm, sử dụng và hút bụi, tháo giặt bảo trì dễ dàng.

Ví dụ khác về sử dụng ánh sáng đèn, dù muốn tiết kiệm thì cũng phải lưu ý đến nguồn sáng cho chỗ chơi của trẻ cần đảm bảo tiêu chuẩn. Nên chọn đèn có chất lượng đảm bảo, có thể hiện trên bao bì và sản phẩm các thông số kỹ thuật đạt chuẩn, như độ rọi (300 lux), mật độ công suất tối đa (12W/m2), chỉ số chói lóa (19 URG), chỉ số hiện màu (từ 80 Ra trở lên, **) để không bị sai lệch về màu sắc, giúp nhìn rõ và tránh các tật về mắt do ánh sáng thiếu hoặc không đúng quy cách. 

Một không gian được gọi là hoàn thiện ( không kể chi phí xây dựng thô) bao gồm giường, tủ, bàn ghế, sàn gỗ, thảm sàn, vật liệu trang trí tường và nhân công. Chi phí hiện nay thay đổi tùy chất liệu gia chủ lựa chọn, dao động từ 2,5 triệu đồng đến 4 triệu đồng /m2 

Trẻ thơ: 

Cuối cùng là, không gian cho trẻ phải có tính chất của …chính con trẻ tại nơi riêng tư của chúng, bởi trong thực tế vẫn có một số thiết kế nội thất phòng trẻ trong nhà ở bị rập khuôn kiểu màu sắc, hình khối, đường nét như trong vườn trẻ, trường mẫu giáo, nơi công cộng, có sự lặp lại quen thuộc các hình ảnh không hoàn toàn theo ý thích của trẻ. Việc cho trẻ chủ động chọn lựa kiểu cách trang hoàng khu vui chơi của chúng, có thể thay đổi theo thời điểm khác nhau như năm mới, giáng sinh, nghỉ hè…chính là bước đầu hình thành thói quen tự lập, tư duy sáng tạo và những định vị xu hướng thẩm mỹ từ ấu thơ.

Một quan niệm nữa về thiết kế nội thất đương đại đó là làm sao cá nhân hóa không gian theo góc nhìn đa diện, không phải cứ chỗ cho trẻ em là “ xanh xanh đỏ đỏ”. Việc bài trí và trang hoàng nhà cửa có sáng tạo giúp trẻ em vừa chơi vừa khám phá, xây dựng trí thông minh, kích thích kỹ năng nhận thức, phát triển trí não. Điều này các nước phát triển đã kiểm chứng từ hàng thế kỷ trước, khi trẻ em là đối tượng quan trọng tại các bảo tàng, công viên, chứ không chỉ bó chân trong trường học. Ở đây cần thay đổi quán tính lâu nay về tâm lý, khi nhiều gia đình hay “ giao khoán” không gian đặc thù cho trẻ (đến cả chuyện học hành) cho nhà trường và xã hội, trong khi thực chất thời gian sinh hoạt và hình thành nhân cách của trẻ luôn bắt đầu từ chính gia đình, mái ấm của trẻ.

KS. HOÀI THU (Khoa Thiết kế & Nghệ thuật, Đại học Hoa Sen) – Ảnh: TRƯỜNG ÂN 

(Bài viết được đăng trên Tạp chí Kiến trúc và Đời sống, số 181 – tháng 06/2021)

Ghi chú: 

( *) amiante: bắt nguồn từ từ tiếng Pháp, quen gọi là Amiăng hoặc Asbestos theo tiếng Anh, là silicát kép của Can xi (Ca) và Magie (Mg), chứa SiO2, một chất liệu trước đây dùng nhiều trong công nghiệp và vật liệu xây dựng, hiện đã được thế giới cấm sử dụng do ảnh hưởng nguy hại đến sức khỏe.

( **):  Trích TCVN 7114-1:2008; TCVN 7114-3:2008; TCVN 3907:2011

 

Facebook Youtube Tiktok Zalo