Tiếng kêu cứu của các môn khoa học xã hội và nhân văn
Ở nước ta, trong những năm gần đây, các ngành khoa học xã hội và nhân văn rất khó tuyển sinh, đa số học sinh chọn khối ngành y khoa, kinh tế, kỹ thuật để ra trường dễ xin việc. Và phải chăng hiện tượng này chỉ có ở Việt Nam? Nhà triết học người Mỹ Martha C.Nussbaum đã lên tiếng và cảnh báo về sự thờ ơ của nhà trường và phụ huynh đối với khoa học xã hội và nhân văn.
Theo C.Nussbaum thì: “Văn chương và triết học đã thay đổi thế giới, nhưng các bậc cha mẹ trên khắp thế giới rất có thể sẽ lo phiền việc con mình dốt nát về tài chính hơn là băn khoăn với việc liệu con em mình có được đào tạo các môn nhân văn đầy đủ hơn chưa”.
Thậm chí tại Trường thực nghiệm thuộc ĐH Chicago, nơi đã khai sinh những thực nghiệm đột phá của triết gia John Dewey về cải cách giáo dục dân chủ nhưng nhiều vị phụ huynh vẫn lo lắng con mình không được đào tạo đầy đủ cho một sự nghiệp tài chính thành đạt.
Dịch giả Phạm Viêm Phương chia sẻ, Nussbaum nói rất kỹ về “giáo dục vì lợi ích, giáo dục vì dân chủ”, bà mô tả những nguyên lý xã hội ở những nước như Mỹ và Ấn Độ đã đi ngược hay mâu thuẫn thế nào với mục tiêu tăng trưởng kinh tế vốn phổ biến ở rất nhiều nước hiện nay. Bà chỉ rõ, “các nhà giáo dục vì tăng trưởng không thích cách nghiên cứu lịch sử tập trung vào những bất công giai cấp, đẳng cấp, giới tính, và khác biệt sắc tộc và tôn giáo, vì điều này sẽ thúc đẩy tư duy phê phán đối với hiện tại”. Nussbaum còn đi xa hơn khi cho rằng những nhà giáo dục kiểu này còn sợ hãi các môn học khai phóng, “vì sự cảm thông được bồi dưỡng tốt thì rất nguy hại cho sự vô cảm, mà thói vô cảm về đạo đức lại cần thiết cho những chương trình phát triển kinh tế vốn không quan tâm tới bất bình đẳng”.
Dịch giả Nguyễn Nghị (giữa), dịch giả Phạm Viêm Phương, dịch giả Mai Sơn tại buổi thảo luận
Tại Việt Nam thì sao? đó là điều mà nhiều học giả băn khoăn, nghiên cứu sinh Hồng Cúc, một nhà nghiên cứu giáo dục các trường ĐH ngoài công lập hỏi liệu có thể áp dụng triết lý vô vị lợi trong cuốn sách này vào nền giáo dục Việt Nam hay không? Dịch giả Phạm Viêm Phương chia sẻ theo quan điểm cá nhân của ông rằng “Chúng ta không nên bi quan và nóng vội vì không có gì tốt đẹp mà tự nhiên có sẵn cả. Dân chủ hay giáo dục khai phóng là tốt đẹp. Cần phải xây đắp, quan trọng là cần có cơ chế cho nó hoạt động và phát triển”. Ông nhận thấy rằng giá trị cốt lõi của Đại học Hoa Sen là tư duy độc lập và tôn trọng sự khác biệt, tôn chỉ của ĐH Hoa Sen là kiên định đi theo con đường không vì lợi nhuận từ những ngày đầu thành lập nên ông lạc quan và tin rằng ĐHHS có cơ hội để phát triển giáo dục khai phóng.
Còn dịch giả Nguyễn Nghị thì cho rằng, vô vị lợi là chủ đề tiếp tục được bàn luận ở Mỹ và trên thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Ông bày tỏ: “Tôi thích phần Nussbaum nhắc đến lối giáo dục của triết gia phương Tây Socrates: hỏi và khêu gợi, tạo cơ hội cho sinh viên tư duy và phản biện. Những phương pháp và cách giáo dục đó rất cần cho sinh viên Việt Nam.
Hiện nay, ngoài các lớp học đông sinh viên để có thể có học phí thấp thì có nhiều người tổ chức những chuyên đề về văn học, triết học, nghệ thuật…, kể cả người dạy, người hướng dẫn sinh viên và người dự thính đều miễn phí. Qua đó cho thấy rằng, việc học các môn khoa học xã hội và nhân văn, các môn nghệ thuật không chỉ khu biệt trong các giảng đường đại học và không theo một lối mòn như lâu nay thầy đọc, trò chép; thầy giảng, trò nghe; thầy ra đề thi, trò trả bài.. mà đã có nhiều cách thức khác nhau để sinh viên tiếp cận với ngành học này. Tuy nhiên, dịch giả Nguyễn Nghị cũng lưu ý, vấn đề nữa là việc dạy và học như thế nào để đúng nghĩa là giáo dục.
Còn nghiên cứu sinh Hồng Cúc thì chân thành bộc bạch: 20 năm qua tôi đứng trên bục giảng trường ĐH, tôi cũng biết rằng, trong môi trường ĐH không chỉ nên công nhận những giá trị sẵn có, điều đó không chỉ riêng tôi mà hồi ở trường ĐH Hùng Vương còn có GS Ngô Gia Huy đồng quan điểm. Ngày ấy, chúng tôi đã chủ trương xây dựng bộ môn Phương pháp dạy đại học dành cho sinh viên trường Hùng Vương, trong đó có chú trọng đến các môn học khai phóng. Tuy nhiên, có một số quan điểm không đồng ý và cho nó không phù hợp thế là ĐH Hùng Vương đành bỏ không triển khai nữa. Đó là kinh nghiệm mà tôi đã trải qua.
Còn PGS-TS Nguyễn Đức Lộc (Khoa Nhân học, trường ĐH KHXH &NV TPHCM) một người rất quan tâm nghiên cứu đến vấn đề này thì chia sẻ: Ở Việt Nam có một thói quen là làm cho mọi thứ quá lên. Tôi nhớ cách đây 5-10 năm, báo chí, truyền thông tuyên truyền trẻ em, học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng sống. Thế là cả xã hội đi đào tạo kỹ năng sống, cha mẹ đều muốn con em làm lãnh đạo. Nói chung, cái gì cũng phải từ từ, phải có lộ trình, phải làm sao để mọi người thực sự hiểu giáo dục khai phóng là gì? Rồi triển khai. Trên thực tế, một trường ĐH nên vừa giáo dục – đào tạo cho sinh viên có một nghề thực sự để sau khi tốt nghiệp, có việc làm; đồng thời vừa giảng dạy những môn giáo dục khai phóng để tạo cho sinh viên tư duy phản biện, biết khẳng định giá trị cá nhân, biết tạo ra sự khác biệt, đó cũng là cơ sở cho sự sáng tạo ra cái mới. Các môn học khai phóng tôi nghĩ là cần thiết cho nền giáo dục ĐH nhưng chỉ sợ nhiều người chưa hiểu đến nơi đến chốn giống như dịch giả Nguyễn Nghị nói rồi làm đại trà thì rất nguy hiểm.
“Tôi quan sát, thấy rằng, các trường ĐH đang có chuyển động trong phương pháp giảng dạy và nội dung giảng dạy, nhất là ở các trường ĐH ngoài công lập như Phan Châu Trinh. Hay Hoa Sen gần đây có đưa chương trình giáo dục tổng quát vào giảng dạy cho sinh viên rất tốt. Nhưng tôi thấy thú vị hơn, các anh chị đi du học về tự mở các lớp dạy cho sinh viên miễn phí, trao đổi về các môn nghệ thuật hay một chủ đề nhân văn nào đó. Ví như các lớp truyện ngắn của dịch giả Mai Sơn. Người ta đến học không phải để vì tấm bằng mà đi học còn để bồi bổ tâm hồn…”, PGS-TS Nguyễn Đức Lộc nhấn mạnh.
Dịch giả Mai Sơn tiếp lời, sinh viên đi học và sau khi ra trường ai ai cũng mong muốn có việc làm là một nhu cầu hiển nhiên. Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, thu nhập người dân chưa cao và còn rất nhiều người nghèo. Tuy nhiên, không vì thế mà chúng ta hy sinh tất cả cho cái “thực”, cho mục đích kinh tế mà phải luôn luôn có ý tưởng, ý thức xây dựng khoa học xã hội và nhân văn ngày càng phát triển, trong đó có giáo dục khai phóng. Tôi biết rằng, ở các nước, sinh viên đi học nghệ thuật, nhạc, văn, triết… đa số là con nhà giàu… nhưng giờ đã thay đổi nhiều, nhiều em sinh viên nghèo vẫn chọn học các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Trong điều kiện và môi trường giáo dục của Việt Nam, chúng ta nên cân bằng, xây dựng những môn học phù hợp chứ đừng mãi đổ lỗi cho cái nghèo thì không có quyền cho sinh viên tiếp cận với các môn học khai phóng.
Thạc sỹ Bùi Trân Thúy (Trường ĐH Hoa Sen): Để đưa được giáo dục khai phóng vào nhà trường phải cần một thời gian, cơ chế tổ chức, tư duy và nhận thức của người thực hiện. Đối với ĐH Hoa Sen, trước mắt là tập trung chủ yếu vào chương trình giáo dục tổng quát. Và ĐHHS vẫn kiên định với hành trình không vì lợi nhuận đã đặt ra từ ngày đầu thành lập đến hôm nay.
………………..
Theo Thiên Thanh tổng hợp
(Nguồn: Petrotimes, ngày 26/03/2015)