Trang chủ - tàixỉu online

Đại học Hoa Sen – HSU
VI EN
tàixỉu online

Trấn Thành diễn Tô Ánh Nguyệt remix lại làm nóng tọa đàm cải lương

Đồng hành với việc chuẩn bị cho triển lãm đa phương tiện về các dự án di sản kết nối với thế giới của Hội đồng Anh Việt Nam, Khoa Thiết kế và Nghệ thuật, trường ĐH Hoa Sen phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức tọa đàm chuyên đề “Tinh hoa cải lương với người trẻ Việt Nam” diễn ra chiều ngày 26/04/2019 tại trụ sở chính Nguyễn Văn Tráng (8 Nguyễn Văn Tráng, P. Bến Thành, Q.1, TP.HCM).

Tọa đàm dưới sự chủ trì của cố vấn nghệ thuật chương trình là nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cùng sự tham dự của các nghệ sĩ cải lương: NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Phương Hồng Thủy và hai nghệ sĩ đệm đàn Văn Môn, NSƯT Hải Phượng; Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, Chủ nhiệm chương trình đào tạo Quản trị Công nghệ Truyền thông – Khoa Thiết kế và Nghệ Thuật, trường ĐH Hoa Sen; chị Nguyễn Phương Thảo, Giám đốc Chương trình Nghệ thuật và Công nghiệp Sáng tạo, Hội đồng Anh; GS. Hugo Frey – Trưởng khoa Xã hội học và cô Suzanne Joinson – nhà văn, giảng viên cao cấp về viết sáng tạo là hai chuyên gia dân tộc học đến từ trường Đại học Chichester, Vương quốc Anh và đông đảo sinh viên đến từ trường ĐH Hoa Sen, các trường ĐH, CĐ địa bàn TP.HCM, những người yêu nghệ thuật cải lương.

Tọa đàm Tinh hoa cải lương với người trẻ Việt Nam

Tọa đàm “Tinh hoa cải lương với người trẻ Việt Nam” thu hút đông đảo sinh viên tham dự.

Cải lương được truyền khẩu theo cách tương tự như ở Anh

Mở đầu tọa đàm, GS. Hugo Frey và cô Suzanne Joinson – hai chuyên gia dân tộc học đến từ trường Đại học Chichester, Vương quốc Anh đã giới thiệu về dự án “Nghiên cứu lịch sử truyền khẩu sân khấu Cải lương” và chia sẻ các kỹ năng, kinh nghiệm trong suốt quá trình thực hiện 10 ngày tại vùng tây nam bộ – cái nôi của cải lương Việt Nam.

Trái qua phải: GS. Hugo Frey, cô Suzanne Joinson và phiên dịch viên tại tọa đàm.

Dự án được thực hiện bằng việc phỏng vấn nhiều câu hỏi với nhiều người từ nhiều độ tuổi khác nhau, bao gồm những người làm trong nghề (nghệ sĩ, soạn giả, nhạc công, đạo diễn, thiết kế phục trang…) và cả những khán giả yêu cải lương. Những phỏng vấn cũng được đoàn làm phim ghi hình lại. Ông Hugo Frey và cô Suzanne Joinson đều chia sẻ rất thú vị khi nghe những câu chuyện ngược dòng thời gian như một chuyến du hành kỳ diệu ngược về quá khứ (từ khoảng đầu thế kỉ XX, thời Pháp thuộc hay thập niên 50…) về truyền thống cải lương của gia đình từ thời ông/ bà cố của những người được phỏng vấn.

GS. Hugo Frey cho biết, những người được phỏng vấn đều trả lời lần đầu tiên biết/ yêu cải lương là do truyền thống gia đình, coi trên tivi trắng đen, ký ức làm văn công tiếp xúc với cải lương… cũng tương tự nghệ thuật truyền miệng ở Anh. Trong nghiên cứu của ông, thời hoàng kim của cải lương, có người cho rằng những năm 60 khi những thiết bị ghi âm tốt, có người lại cho rằng khoảng thập niên 80 nhưng tóm lại, cải lương cũng đã có một giai đoạn hoàng kim.

GS. Hugo Frey chia sẻ, cải lương được truyền khẩu theo cách tương tự như ở Anh.

Hai chuyên gia đều thừa nhận họ là những người ngoại quốc, không biết gì về cải lương và việc có quay phim ghi hình phỏng vấn nên dự án nghiên cứu sẽ có những ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, cả hai đều tiếp cận và nghiên cứu khách quan với hy vọng mang tới những góc nhìn mới và đóng góp vào nghiên cứu lịch sử cải lương.

Nguyên nhân nào khiến cải lương mai một?

Sau phần chia sẻ dự án nghiên cứu, câu hỏi “nguyên nhân nào khiến cải lương mai một?” của một khán giả đã khiến tọa đàm sôi nổi hơn. GS. Hugo Frey cho rằng cải lương cũng như các loại hình giải trí khác, có lúc lên và có lúc xuống. Ngày nay, cải lương phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí khác như phim ảnh…

Đồng ý với quan điểm này nhưng những nghệ sĩ tham sự đã có những trả lời bổ sung sâu hơn với tư cách người trong cuộc. Theo nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc và các nghệ sĩ, có một số người cho rằng cải lương cần gói gọn trong một bối cảnh, văn hóa. Vì vậy, phải chấp nhận sự phát triển của cải lương phải tương thích với thời đại, khán giả ngày nay cũng dễ dàng tìm thấy cải lương trên internet để thưởng thức, không nhất thiết phải đưa cải lương vào nhà hát. Bà dẫn ý của cố GS.TS Trần Văn Khê cho rằng, một loại hình nghệ thuật chỉ hướng đền người già thì khi người già mất nó không còn; muốn phát triển phải hướng đến công chúng trẻ.

Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng dẫn chia sẻ của nghệ sĩ Hữu Luân cho rằng cải lương không chết mà cải lương không diễn được tuồng mới hay. Khán giả bây giờ 70% thích Hồ Quảng, 30% thích tuồng xã hội và 10% thích tuồng lịch sử Việt Nam.

NSƯT Phương Hồng Thủy sau khi trình diễn trích đoạn vở tuồng “Tâm sự cô đào hát” cũng chia sẻ: “Cải lương giống với số phận cô đào hát, mỗi người yêu theo một cách, có người muốn khai thác để kiếm tiền, có người muốn chiếm đoạt thể xác”.

NSƯT Phương Hồng Thủy

NSƯT Phương Hồng Thủy thể hiện trích đoạn cải lương tại tọa đàm.

Một số sinh viên tham dự tọa đàm chia sẻ, các bạn lớn lên ở miền tây nam bộ – cái nôi cải lương, yêu cải lương như lời ru của mẹ. Thế giới rất trân trọng văn hóa Việt Nam nhưng nhiều bạn trẻ bây giờ lại không thấy được điều đó.

Anh Nguyễn Việt Thái, Phó Phòng P.Chiêu Sinh, trường ĐH Hoa Sen là một 9X yêu cải lương tham dự tọa đàm cũng chia sẻ: “Đối với những người yêu cải lương thì nó không chết. Tuy nhiên những người trẻ như tôi thì cải lương hiện không có những kịch bản mới mà chỉ nghe lại những kịch bản cũ của thế hệ cha chú mới thấy hay. Các bạn nghệ sĩ trẻ giọng rất nội lực nhưng không thấy được cái cảm để chạm vào khán giả”.

Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc ghi nhận những ý kiến trên và chia sẻ với các bạn trẻ cùng những người yêu cải lương hãy đến nhà hát cải lương Trần Hữu Trang xem vở mới “Hiu hiu gió bấc” được chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Bà cũng khẳng định: “Ai còn yêu Việt Nam thì còn yêu nghệ thuật cải lương. Cải lương là đời sống mà đời sống có thể từ trong sử và sử có thể là các bạn trẻ bây giờ trong tương lai. Quan trọng là bây giờ, trăn trở của khán giả không còn trên sân khấu nữa… Một thời người ta trân trọng cải lương làm nên thời hoàng kim nhưng bây giờ không còn không khí đó nữa”.

Làm mới cải lương như Trấn Thành có nên không?

Trường hợp nghệ sĩ Trấn Thành diễn trích đoạn cải lương Tô Ánh Nguyệt remix theo dạng hài biến tấu được đưa ra đã làm “nóng” tọa đàm với nhiều ý kiến bình luận. Tiến, sinh viên năm thứ 2 ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP.HCM tham dự tọa đàm chia sẻ bản thân “âm” với cải lương, không biết gì về cải lương nhưng biết đến vở Tô Ánh Nguyệt qua sự biểu diễn remix của nghệ sĩ Trấn Thành. Và câu hỏi được Tiến đặt ra: trong thời đại toàn cầu hóa cùng cuộc cách mạng 4.0, cải lương tiếp cận công chúng thế nào?

Tọa đàm trở nên vô cùng nóng với nhiều ý kiến. Nhà báo Hòa Bình (Báo Pháp luật TP.HCM) tham dự tọa đàm chủ động nhận trả lời đầu tiên cho rằng, cách truyền bá cải lương như kiểu của Trấn Thành là không nên và cải lương trên mạng internet bây giờ cũng nhiều lắm, tại sao quan tâm lại không lên mạng xem và tìm hiểu?.

NSƯT Phương Hồng Thủy và nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho rằng làm mới cải lương như Trấn Thành làm với vở Tô Ánh Nguyệt là sai, rất không nên. Việc nghệ sĩ Trấn Thành, NSND Ngọc Giàu lên tiếng xin lỗi đã khẳng định được điều đó. Các nghệ sĩ tham dự tọa đàm cũng cho rằng, việc làm mới, cải tiến cải lương là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc này phải đảm bảo yếu tố: đẹp hơn, hiệu quả hơn và dù thế nào thì cũng phải giữ được bản chất của nó.

Nhà văn, đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc cũng cho rằng mỗi người có một lựa chọn giải trí khác nhau và các bạn trẻ “nếu không yêu thì đừng có sờ vào, bạn có quyền âm với cải lương”. Bà cũng cho biết, các nghệ sĩ yêu cải lương đều rất tâm huyết truyền bá và phát triển cải lương; điển hình, nghệ sĩ Linh Trung (nhà hát cải lương Trần Hữu Trang) có cách truyền bá cải lương đến các bạn trẻ rất hay bằng cách tự bỏ tiền túi thưởng cho những bạn trẻ hát được cải lương với 2 người đệm đàn.

Ngoài ra, tại buổi tọa đàm, các nghệ sĩ tham dự đã biểu diễn những trích đoạn cải lương nổi tiếng. NSƯT Phương Hồng Thủy thể hiện 2 trích đoạn cải lương: vai Lan trong vở “Chuyện tình Lan và Điệp” và vai Cầm Thanh trong “Tâm sự cô đào hát”; NSƯT Mỹ Hằng thể hiện sáng tạo trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga (vở diễn cùng tên) với sự đệm đàn của hai nghệ sĩ: Văn Môn, Hải Phượng.

NSƯT Mỹ Hằng

NSƯT Mỹ Hằng thể hiện sáng tạo trong vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga. 

NSƯT Hải Phượng

NSƯT Hải Phượng đệm đàn tranh cho các nghệ sĩ biểu diễn.

Các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và đại diện ban tổ chức cùng chụp hình lưu niệm.

Các nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu và đại diện ban tổ chức chụp hình lưu niệm cùng các sinh viên, những người yêu cải lương dự tọa đàm.

Tin: Hoàng Nguyễn
Ảnh: Trần Mạnh Hùng

Facebook Youtube Tiktok Zalo