Vài nét địa lý tự nhiên thuộc vùng biển Việt Nam
Cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa giữa Biển Đông Việt Nam
Theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có diện tích biển khoảng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, chiếm gần 30% diện tích Biển Đông. Vùng biển nước ta có khoảng 3.000 đảo lớn nhỏ và hai quần đảo xa bờ là Hoàng Sa và Trường Sa được phân bố khá đều theo chiều dài bờ biển của đất nước. Một số đảo ven bờ còn có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam, từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.
Biển Đông là vùng biển nhộn nhịp thứ hai trên thế giới (sau Địa Trung Hải), chiếm khoảng ¼ lưu lượng tàu hoạt động trên các vùng biển toàn cầu. Là tuyến hàng hải huyết mạch mang tính chiến lược của nhiều nước trên thế giới và khu vực, nối liền Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, châu Âu, Trung Đông với châu Á và giữa các nước châu Á với nhau. Cùng với đất liền, vùng biển nước ta là một khu vực giàu tài nguyên thiên nhiên, là ngư trường giàu có nuôi sống hàng triệu ngư dân và gia đình từ bao đời qua, là một vùng kinh tế nhiều thập kỷ phát triển năng động, là nơi hấp dẫn của các nhà đầu tư và thị trường thế giới.
Bên cạnh nhiều đảo lớn nhỏ khác, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã thuộc về lãnh thổ Việt Nam. Quần đảo Hoàng Sa gồm trên 30 đảo, đá, cồn san hô và bãi cạn, nằm ở khu vực biển giữa vĩ độ 15o45’00”Bắc – 17ođộ15’00”Bắc và kinh độ 111o00’00”Đông – 113o00’00”Đông trên vùng biển có diện tích khoảng 30.000km2, cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi – Việt Nam) khoảng 120 hải lý. Đoạn biển từ Quảng Trị chạy tới Quảng Ngãi đối mặt với quần đảo Hoàng Sa luôn hứng gió mùa Tây Nam hay Đông Bắc nên thường có nhiều thuyền bị hư hại khi ngang qua đây vào mùa này. Các vua chúa Việt Nam thời xưa hay chu cấp cho các tàu thuyền bị nạn về nước, nên họ thường bảo nhau tìm cách tạt vào bờ biển Việt Nam để nhờ cứu giúp khi gặp nạn. Chính vì thế, Hoàng Sa từ rất sớm đã được người Việt biết tới và xác lập chủ quyền của mình. Quần đảo Hoàng Sa chia làm hai nhóm An Vĩnh và Trăng Khuyết (hay còn gọi là Lưỡi Liềm). An Vĩnh nguyên là tên một xã thuộc Quảng Ngãi, theo Đại Nam Thực lục Tiền biên quyển 10: “Ngoài biển xã An Vĩnh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 100 cồn cát… chiều dài kéo dài không biết tới mấy ngàn dặm, tục gọi là Vạn lý Hoàng Sa châu. Hồi quốc sơ đầu triều Nguyễn đặt đội Hoàng Sa gồm 70 người lấy dân xã An Vĩnh sung vào, hàng năm cứ đến tháng ba cưỡi thuyền ra đảo, ba đêm thì tới nơi…”.
Quần đảo Trường Sa nằm giữa Biển Đông về phía Đông Nam nước ta, phía Nam quần đảo Hoàng Sa, cách Cam Ranh (Khánh Hoà – Việt Nam) 243 hải lý, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) 585 hải lý và đến đảo Đài Loan khoảng 810 hải lý. Quần đảo Trường Sa gồm trên 100 đảo lớn nhỏ và bãi san hô với diện tích vùng biển rộng khoảng 410.000 km2, từ vĩ độ 6o00’00” Bắc – 12o00’00” Bắc và kinh độ 111o00’00” Đông – 117o00’00” Đông. Diện tích phần nổi của đảo khoảng 3km2, chia làm 8 cụm (Song Tử, Loại Ta, Thị Tứ, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa, Thám Hiểm, Bình Nguyên). Với vị trí giữa Biền Đông, quần đảo Trường Sa có lợi thế về dịch vụ hàng hải, hậu cần nghề cá trong khu vực, đồng thời cũng là một địa chỉ du lịch hấp dẫn.
Bản đồ Biển Đông Việt Nam có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
Điều kiện thiên nhiên trên thực tế đã gắn liền với những hoạt động xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo các nhà nghiên cứu, nếu mực nước biển hạ xuống chừng 600m-700m thì Hoàng Sa sẽ dính vào Việt Nam như một khối thịt liền và cách Trung Quốc bằng một vùng biển sâu (Krempf, Giám đốc Hải học Viện Đông Dương, khảo sát năm 1925). Các sinh vật trên các đảo và dưới biển thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa như rùa, đời mồi, vít, đồn đột, ốc tai voi, ốc hương đều tương tự như các đảo ven biển Việt Nam như cù lao Ré. Các khảo sát từ thập niên 40 của thế kỷ XX cũng cho thấy các thú vật sống trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều là các loài đã gặp ở Việt Nam, không có nhiều liên hệ với sinh vật ở Trung Quốc. Các khảo sát về thảo mộc cũng có kết quả tương tự, hầu hết thảo mộc ở hai quần đảo này đều du nhập từ đất liền của Việt Nam như cây mù u, cây bàng có nhiều ở cù lao Ré. Các sách sử của thời Nguyễn cũng chép rõ, theo lệnh vua Minh Mạng binh lính Việt Nam đã trồng nhiều cây cối trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, để ngày sau cây cối cao to giúp người đi biển nhận biết mà tránh mắc cạn. Biển Đông cũng như Việt Nam nằm trong khu vực mà các nhà sinh vật học gọi là Wallacca, là vùng đất sinh sống của các loài động vật Á Đông mà Trung Hoa nằm ngoài vùng này. Tại Biển Đông không giống như Thái Bình Dương, có dòng hải lưu chảy thay đổi theo chiều gió mùa. Thiên nhiên đã tạo điều kiện thuận lợi cho mối quan hệ giữa đất liền của Việt Nam với các đảo ở Hoàng Sa và Trường Sa. Chính nhu cầu tránh bão hoặc bị nạn rồi theo dòng hải lưu, theo chiều gió tấp vào đất liền Việt Nam của các thương thuyền nước ngoài như đã trình bày ở trên nên người Việt Nam từ lâu đã biết tới Hoàng Sa và Trường Sa và sẵn lòng cứu giúp những người bị nạn. Điều đó chứng tỏ hoạt động xác lập chủ quyền và thực thi chủ quyền trên thực tế của người Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là hết sức tự nhiên từ bao đời qua.
(Nguồn: daidoanket)